Lãnh đạo Vinalines "tính kế" thoái vốn khỏi loạt công ty con âm vốn nghìn tỷ

Hàng loạt công ty con thua lỗ, âm vốn điều lệ, ví như Công ty Vận tải Biển Đông âm vốn chủ sở hữu tới 4.000 tỷ đồng, lỗ trung bình mỗi năm 500 tỷ đồng, đã được Vinalines lên kế hoạch sẽ thoái hết vốn, chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Lãnh đạo Vinalines "tính kế" thoái vốn khỏi loạt công ty con âm vốn nghìn tỷ - 1

Vinalines Sky được Vinalines rao bán với giá 89,6 tỷ đồng dù mua về với giá 661 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Ngày 5.9 tới, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với 488.818.130 cổ phần chào bán (tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ) cho các tổ chức và cá nhân trong nước đủ điều kiện theo Quy chế Bán đấu giá cổ phần do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu là 10.000 đồng/cổ phần.

Hàng loạt công ty con bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Dù được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải với đội tàu gồm 84 chiếc, số tuổi trung bình là 16,9 tuổi, tổng trọng tải 1,8 triệu DWT, chiếm trọng tải tương đương 25% đội tàu của Việt Nam. Đồng thời, đội tàu được đầu tư vào giai đoạn đỉnh cao của thị trường vận tải biển (2007-2008).

Lãnh đạo Vinalines "tính kế" thoái vốn khỏi loạt công ty con âm vốn nghìn tỷ - 2

Vận tải biển là ngành kinh doanh chính của Vinalines, chiếm gần 86% cơ cấu doanh thu tại Công ty mẹ - Tổng công ty.

Song kết quả kinh doanh của Vinalines trong quá khứ lại mang tới phần nhiều sự thất vọng. Vận tải biển là ngành kinh doanh chính của Vinalines, chiếm gần 86% cơ cấu doanh thu tại Công ty mẹ - Tổng công ty và xấp xỉ 38% cơ cấu doanh thu toàn Tổng công ty hợp nhất trong năm 2016.

Nhưng chi phí vay và khấu hao tàu cao dẫn đến một số doanh nghiệp của Tổng công ty liên tục lỗ từ năm 2008 đến nay. Năm 2017, riêng ngành lõi của Vinalines lỗ 624 tỷ đồng, các năm trước như 2014, 2015 lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Thậm chí Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã từ chối đưa ra ý kiến đối kiểm toán về Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) do không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với một số vấn đề quan trọng.

Các công ty con như Công ty CP Vận tải biển Việt Nam, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, Công ty CP Vận tải biển Vinaship… đều bị đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc vấn đề nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của các công ty này hầu hết đều làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, âm vốn lưu động ròng, gánh nặng từ những khoản nợ quá hạn và đến hạn trả.

Thêm vào đó, các công ty này lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản và tổng nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Dù vậy, Ban lãnh đạo Vinalines vẫn cho rằng các công ty này vẫn đảm bảo yêu cầu về hoạt động liên tục với điều kiện thực hiện thành công việc tái cơ cấu các khoản vay đã quá hạn và đến hạn trả.

Lãnh đạo Vinalines "tính kế" thoái vốn khỏi loạt công ty con âm vốn nghìn tỷ - 3

Phương án chào bán cổ phần của Vinalines.

Bên cạnh đó, việc không nhất quán trong việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông ảnh hưởng đến độ tin cậy của báo cáo kết quả kinh doanh của Tổng công ty.

Theo đó, khoản chênh lệch giá trị nhận nợ gốc và lãi vay phải trả các tổ chức tín dụng phát sinh từ trước năm 2017 1.661 tỷ đồng được ghi nhận vào phần tăng giá trị vốn nhà nước tại công ty theo hướng dẫn tại công văn số 751/BTC-TCDN ngày 11.9.2015 mà không ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh theo chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên đối với khoản chênh lệch giá trị nhận nợ gốc và lãi vay phải trả các tổ chức tín dụng phát sinh năm 2017, công ty lại ghi nhận giảm chi phí tài chính trong năm 98 tỷ đồng. Nếu nhất quán theo công văn số 751/BTC-TCDN ngày 11.9.2015, trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 chi phí tài chính và lợi nhuận sau thuế tăng và giảm tương ứng 98 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong các cơ sở để từ chối đưa ra ý kiến của kiểm toán là khoản đầu tư 03 với giá trị 228 tỷ đồng theo các dự án Đóng 02 tàu 47.500 DWT - HB 02/03 tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Dự án tiếp nhận 20 tàu biển đang đóng dở tại Vinashin, Chương trình đóng mới 32 tàu biển được Tổng công ty hạch toán dưới dạng hàng tồn kho và khoản 171 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang phát sinh từ một số dự án đã dừng hoạt động. Do đó kiểm toán không đánh giá được lợi ích kinh tế cũng như khả năng thu hồi vốn của các dự án trên.

Ngoài ra, công ty cũng không đưa ra được những chứng từ phù hợp về giá trị cũng như kỳ hạch toán đối với một số khoản mục khác trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017.

Đây không phải lần đầu kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Năm 2016, Công ty TNHH KPMG đã từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty cũng với lý do không thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Vinalines dự kiến doanh thu đạt 533,8 tỷ đồng, lỗ luỹ kế sau thuế gần 1.141 tỷ đồng. Đến nửa sau năm 2018, công ty dự kiến lãi 143,9 tỷ đồng.

Hé lộ kế hoạch thoái vốn khỏi công ty con thua lỗ

Xung quanh câu chuyện thoái vốn của Vinalines tại các công ty con, công ty liên kết, bên lề hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức đã diễn ra chiều 20.8, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền TGĐ Vinalines cho biết Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) cũng nằm trong diện đề nghị thoái vốn. Dự kiến, sẽ có 6, 7 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển cũng sẽ được Vinalines thoái vốn.

Lãnh đạo Vinalines "tính kế" thoái vốn khỏi loạt công ty con âm vốn nghìn tỷ - 4

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền TGĐ Vinalines phát biểu tại hội thảo.

Trước đó, trong khuôn khổ buổi hội thảo, trao đổi về vấn đề đề thoái vốn của Vinalines tại các công ty con làm ăn thua lỗ, Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn cho biết, một số công ty như Công ty CP Vận tải biển Việt Nam, Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông với những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, Vinalines sẽ sớm có kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới.

Lãnh đạo Vinalines "tính kế" thoái vốn khỏi loạt công ty con âm vốn nghìn tỷ - 5

Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn trả lời câu hỏi của nhà đầu tư.

Ông Lê Anh Sơn cho biết: “Chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong việc triển khai thoái vốn. Ngay trong quý này và các giai đoạn sau của quá trình cổ phần hóa Vinalines sẽ tích cực thoái vốn. Những doanh nghiệp mang tới kết quả thua lỗ trên BCTC, chúng tôi sẽ thoái vốn hết. Chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích trong hoạt động chuỗi của chúng tôi.

Một số công ty bị đánh giá hoạt động không liên tục như Biển Đông (Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông - PV), âm vốn chủ sở hữu tới 4.000 tỷ đồng, lỗ trung bình mỗi năm 500 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp từ Vinashin bàn giao sang, chúng tôi đã tái cơ cấu nhưng khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng quá lớn. Chúng tôi sẽ sớm có giải pháp xử lý nợ với các tổ chức tín dụng. Công ty này do Vinalines sở hữu 100% vốn, là mắt xích cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu hoạt động vận tải biển.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ khác, trong đó có công ty đã niêm yết trên sàn, chúng tôi sẽ thoái hết vốn. Về cơ bản sau khi tinh gọn tài sản, thoái vốn ở các doanh nghiệp vận tải biển, hoạt động của Vinalines sẽ có lãi trong báo cáo hợp nhất”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thắng ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN