Lãi suất chỉ nên giảm về mức 7%

Theo khối nghiên cứu toàn cầu Standard Chartered mới đây nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng trong điều kiện lạm phát đang còn yếu sẽ là cơ sở để NHNN tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Đồng thời, lạm phát tiếp tục được kiểm soát cũng là cơ hội để giảm tiếp lãi suất huy động về mức 7%/năm, kéo lãi suất cho vay xuống quanh mức 10%/năm.

Soát xét từng điểm tựa

Năm 2013, áp lực từ sự tăng giá hàng hóa thế giới lên lạm phát trong nước có lẽ sẽ không lớn. Hiện tại Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, giảm hệ số sử dụng vốn của nền kinh tế. Đồng thời cố gắng khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu ngành ngân hàng.

Theo Ths. Phạm Thành Đạt, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại có kết quả tốt sẽ thúc đẩy phát triển bền vững thị trường chứng khoán- kênh dẫn vốn trung và dài hạn, làm giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát.

Mặt khác, lạm phát tiếp tục được kiểm soát trong mức 6 - 7% theo mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm nay; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm, tăng 2,41% so với cuối năm ngoái - là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua và tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2012 sẽ là cơ hội để hạ lãi suất huy động, góp phần kéo giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ DN và tăng trưởng kinh tế…

Bên cạnh đó, NHNN khẳng định quan điểm thúc đẩy tăng trưởng bằng các giải pháp tín dụng và lãi suất linh hoạt nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay. Đồng thời, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm, triển vọng lạm phát thấp cho phép NHNN nới lỏng các giải pháp này mạnh tay hơn nữa. Do đó, một đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo trong quý 2/2013 có thể xảy ra.

Ngoài ra cũng cần khẩn trương đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian sớm nhất khi đó kết hợp với việc mặt bằng lãi suất giảm mới có thể khắc phục điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ổn định thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng. Từ đó, khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của thị trường liên ngân hàng. Trong định hướng chung đó, mặt bằng lãi suất thị trường năm 2013 sẽ tiếp tục được điều hành ổn định trong xu hướng giảm.

Cơ hội để giảm lãi suất cho vay

Nhưng theo nhóm nghiên cứu Standard Chartered, đợt cắt giảm lãi suất lần này chỉ ở mức 0,5% do NHNN đã hạ 7% lãi suất kể từ tháng 3/2012. Nguy cơ về lạm phát thời gian tới cũng hạn chế dư địa hạ lãi suất bởi nếu lãi suất giảm quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm đối với NHNN.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, NHNN chỉ nên điều chỉnh lãi suất huy động giảm thêm 0,5%/năm, về mức 7%/năm chứ không nên quá mạnh tay hạ lãi suất. TS. Doanh cho biết, mặc dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn có khả năng quay trở lại do những biến động khó đoán của thị trường xăng dầu, biến động tỷ giá, thị trường tài chính...

Lãi suất chỉ nên giảm về mức 7% - 1

Theo TS. Lê Đăng Doanh không gian điều chỉnh lãi suất cho NHNN không còn quá lớn

Bên cạnh đó, theo TS. Lê Đăng Doanh không gian điều chỉnh lãi suất cho NHNN không còn quá lớn, nếu hạ lãi suất quá sâu thì khi lạm phát bùng lên sẽ làm lãi suất thực âm. Nhiều người xem lãi suất là nguồn thu nhập của họ nên nếu lãi suất thực âm, nguy cơ tiền gửi sẽ chảy vào các kênh khác như vàng, ngoại tệ là rất nguy hiểm.

Mặt khác, Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN điều hành lãi suất cần mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần, sẽ xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, ngay trong quý 2 và quý 3/2013, hệ thống ngân hàng sẽ đưa khoảng 100 nghìn đến 150 nghìn tỷ đồng để xử lý nợ xấu và hỗ trợ BĐS. Cộng với lượng kiều hối mà kiều bào gửi về trong năm tiếp tục tăng (10 tỷ USD), cùng với đó là việc chống đô-la hóa nền kinh tế đang cho triển vọng khả quan cùng những nỗ lực quản lý phát triển lành mạnh thị trường vàng, sẽ góp phần ổn định giá trị tiền đồng. Khi lượng vốn lớn tiềm năng được “đánh thức” và đưa vào khai thác sử dụng làm cung về vốn tăng và góp phần giảm mặt bằng lãi suất thị trường…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Giao ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN