Kỹ sư trẻ bỏ lương chục triệu về quê nuôi gà

Đang có thu nhập 10 triệu đồng/tháng với nghề kỹ thuật cơ khí ở TP.HCM, nhưng anh Nguyễn Tiến (SN 1988) quyết định nghỉ việc về quê nhà - thôn Khanh Ninh, xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, gây dựng trang trại chăn nuôi và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tốt nghiệp THPT năm 2006, Nguyễn Tiến thi vào Trường Cao đẳng nghề Tây Nguyên, khoa cơ khí. Sau 2 năm học cao đẳng, năm 2008 Tiến thi liên thông lên Trường Đại Học Lạc Hồng. Sau 6 năm đèn sách, nhận được bằng tốt nghiệp, Tiến xin vào làm kỹ thuật trong các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Được chưa đầy hai năm thì anh quyết định nghỉ việc về quê lập trang trại chăn nuôi. Quyết định này của Tiến khiến bố mẹ phản đối, anh em ngỡ ngàng, còn dân làng bàn tán xôn xao và có người còn bảo anh “dở hơi”, nghề nghiệp đàng hoàng, lương tháng 10 triệu lại bỏ về làm nông dân.

Kỹ sư trẻ bỏ lương chục triệu về quê nuôi gà - 1

   Chàng trai trẻ Nguyễn Tiến với trang trại chăn nuôi tiền tỷ. 

Tiến chia sẻ lý do rời phố về quê của mình: “Trong một lần làm công trình ở Tây Ninh, mình được khảo sát nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hộ gia đình có bài bản, lợi nhuận cao. Vốn là dân quê, mình đã không ngại công việc chăn nuôi, lại thấy có thể tận dụng nguồn nhân công rẻ, lúa gạo nhiều. Chính vì thế mình quyết định về quê làm trang trại theo mô hình VAC, mà đối tượng nuôi chủ lực là trâu, bò, gà và cá”. Nói thì dễ, tuy nhiên từ ý tưởng đến thực hiện không dễ dàng, đặc biệt là do Tiến còn quá trẻ tuổi nên niềm tin từ chính quyền và đối tác không nhiều. Để giải quyết khó khăn, Tiến vận động bố mẹ vay mượn hàng xóm và được Huyện đoàn Đức Thọ hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng, cùng với một số đồng vốn ít ỏi tích luỹ từ trước, anh đã đầu tư làm chuồng trại. Đầu tiên, Tiến ra Hà Nội để mua giống gà cỏ về nuôi thử nghiệm.

Chỉ sau 2 năm xây dựng, đầu tư cho trang trại 2ha, Tiến đã có hơn 2.000 con gà, gần 15 con trâu bò, 100 con ngan và 3 ao cá. Trừ mọi chi phí, hàng năm Tiến thu lợi khoảng 200 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông chủ trẻ Nguyễn Tiến cho biết: “Mục đích việc lập trang trại là để thay đổi suy nghĩ của những người nông thôn đi học về là phải có một công việc, nhất là những người muốn làm nhà nước để có chỗ đứng trong xã hội, sợ tay lấm chân bùn. Việc làm mô hình kinh tế tại quê hương ngoài việc kích thích người dân phát triển kinh tế còn giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn kéo theo phát triển kinh tế gia đình để đóng góp xây dựng quê hương”.

Anh Ngô Ngọc Hân- Bí thư Huyện đoàn Đức Thọ cho biết: “Nguyễn Tiến là thanh niên tiêu biểu, gương mẫu, là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Năm 2014, Tiến vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 gương thanh niên tiêu biểu của huyện trong 5 năm qua”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lam Khê - Huyền Trang (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN