“Khủng hoảng nợ châu Âu còn lâu mới dứt”

Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng Euro còn một chặng đường dài để đi trước khi khép lại, và châu Âu cần giữ niềm tin vào đồng tiền chung của họ. Đây là cảnh báo mà Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Zhu Min vừa đưa ra ngày 11/9, trang CNBC cho biết.

“Nói chung là cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn đang ở giữa cuộc khủng hoảng và còn một chặng đường nữa phải đi”, ông Zhu phát biểu tại một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc.

“Nhưng chúng ta đang đi đúng hướng, đó là điều rất quan trọng. Chúng ta cần có niềm tin, và cần giữ niềm tin vào đồng Euro”, ông Zhu nói thêm.

Đến nay, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã kéo dài hơn 3 năm. Giới đầu tư dự báo, khối sử dụng đồng tiền chung gồm 17 quốc gia này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay do không thể giải quyết được khủng hoảng nợ và mở đường cho phục hồi tăng trưởng.

Ông Zhu nhận định, một cuộc suy thoái thứ hai trong vòng 3 năm ở châu Âu sẽ thực sự là một thông tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu. “Chúng ta không nên xem nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đối với toàn thế giới. Điều này rất quan trọng”, ông Zhu phát biểu.

“Cuộc khủng hoảng nợ có ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu trên phương diện tăng trưởng”, ông Zhu nói thêm. Phó tổng giám đốc điều hành IMF cho biết, tổ chức này dự báo rằng, nếu tiếp tục chuyển biến xấu đi, cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu có thể cắt giảm từ 1,5-2% các hoạt động kinh tế ở Mỹ và Nhật Bản, 1% các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc.

Trong đó, ảnh hưởng đối với thương mại của khu vực châu Á có thể sẽ là rất lớn vì châu Âu là đích đến của 1/3 giá trị hàng hóa mà châu Á xuất khẩu.

“Khi tăng trưởng ở khu vực sử dụng động Euro giảm về 0, thì tăng trưởng xuất khẩu của châu Á cũng sẽ giảm về 0. Điều này rất quan trong”, ông Zhu nhận xét.

Nhu cầu suy giảm của khu vực châu Âu đã tạo ra một rào cản lớn đối với các hoạt động kinh tế của khu vực châu Á trong năm nay. Vì vậy, các chính phủ ở châu Á đã phải đẩy mạnh đầu tư và các khoản chi tiêu khác để kích thích nhu cầu nội địa, bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu bên ngoài.

Ông Zhu nói rằng, thế giới cần tin tưởng vào khả năng giải quyết khủng hoảng của châu Âu, đồng thời kêu gọi phần còn lại của thế giới ủng hộ những nỗ lực đưa nền kinh tế của khu vực này trở lại với tăng trưởng.

Theo ông Zhu, IMF ủng hộ mạnh mẽ quyết định gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc có những biện pháp tiếp theo để tăng cường sự ổn định cho nền kinh tế Eurozone. Tuần trước, ECB đã công bố một chương trình mau trái phiếu không hạn chế để cung cấp thanh khoản cho các chính phủ trong Eurozone.

“Quyết định đó của ECB là rất quan trọng. Chúng tôi rất ủng hộ quyết định đó, vì một quyết định như vậy sẽ giúp giải tỏa căng thẳng về thanh khoản trên thị trường”, ông Zhu phát biểu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Huy - Vneconomy
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN