G7 họp khẩn với nợ công châu Âu

Ngày 5-6, bộ trưởng tài chính nhóm G7 đã hội đàm khẩn cấp về vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu, khi đã có những dấu hiệu báo động toàn cầu về căng thẳng trong khối 17 nước thuộc khu vực đồng euro.

Bộ trưởng tài chính Canada Jim Flaherty cho biết các bộ trưởng và quan chức ngân hàng trung ương Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp và Ý đã tổ chức buổi hội đàm khẩn nhằm tăng áp lực buộc châu Âu phải hành động.

Trong khi Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đang buộc phải tuân theo chương trình cứu trợ quốc tế, các thị trường tài chính hiện gánh thêm những mối lo mới. Rủi ro từ khủng hoảng ngành ngân hàng Tây Ban Nha và cuộc bầu cử Hi Lạp 17-6 có thể đưa Athens rời khỏi khối euro.

"Thị trường cho đến nay vẫn hoài nghi, liệu các biện pháp thực hiện có đủ đảm bảo khả năng phục hồi của châu Âu và loại bỏ bất an về một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn hay không", thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney nói với các phóng viên.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 28 đến 29-6. Khi đó, Chủ tịch Herman Van Rompuy sẽ đề xuất ý kiến thiết lập bản đồ "liên mình tài chính" từ nay đến cuối năm 2012.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo liên minh cánh hữu của bà khẳng định: "Tất cả công cụ đã sẵn sàng để đảm bảo sự an toàn các ngân hàng trong khu vực".

Một nguồn tin G7 cho biết hiện có những lo ngại về nguy cơ đột biến rút tiền gửi ở Tây Ban Nha vượt khỏi tầm kiểm soát khu vực, đặt ra thách thức tái cơ cấu vốn cho vay của Ngân hàng Bankia và các ngân hàng nhỏ khác bị ảnh hưởng của bong bóng bất động sản nước này.

Quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết hi vọng sẽ nhìn thấy châu Âu tăng tốc trong những tuần tới, bao gồm cả trong thời gian chuẩn bị họp G20 ở Mexico vào ngày 18 đến 19-6.

Trung Quốc, thành viên chủ chốt của G20, hiện đang theo dõi sát sao tin đồn Hi Lạp rút khỏi khối euro. Bắc Kinh đã chỉ đạo các cơ quan quan trọng của mình, gồm cả ngân hàng trung ương, đề ra kế hoạch đối phó với rủi ro kinh tế tiềm năng từ việc rút lui của Hi Lạp, theo Reuters.

Các kế hoạch có thể sẽ bao gồm biện pháp ổn định đồng nhân dân tệ, tăng cường kiểm tra dòng vốn xuyên biên giới và chính sách ổn định nền kinh tế.

Thị trường phản ứng

Trước thềm phiên họp khẩn của G7, giá vàng giao ngay tại thị trường Singapore ngày 5-6 tăng lên 1.619,7 USD/ounce. Giá dầu thô cũng tăng vì thông tin này.

Một ngày trước đó, tại thị trường New York, giá vàng kỳ hạn tháng 8-2012 giảm 8,2 USD còn 1.613,9 USD/ounce, do nhiều nhà đầu tư phố Wall bán ra bù lỗ chứng khoán. Trong khi năm 2011, vàng đã có lúc trở thành kênh đầu tư an toàn khi leo lên đến 1.920 USD/ounce.

Đồng euro so đồng USD tại thị trường Tokyo tăng 0,3% lên 1,2534 USD/EUR vào lúc 7g37 sáng nay (giờ Việt Nam). Euro so với yen cũng tăng 0,2% lên 98,16 JPY/EUR. AUD tăng lên 97,88 cent USD lúc gần 13g sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản xuống còn 3,5%, mức thấp nhất kể từ năm 2009, vì áp lực từ khủng hoảng châu Âu và tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN