Khó, dễ: Tính hai mặt của vay tiêu dùng

Để tránh tình trạng sai sót khi ký hợp đồng và làm xuất hiện nợ xấu, người đi vay cần lựa chọn kỹ CTTC mà mình dự định tham gia vay vốn.

Ưu điểm thoáng trong thủ tục cho vay, giải ngân đã giúp các công ty tài chính (CTTC) duy trì sự hấp dẫn đối với khách hàng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng sai sót khi ký hợp đồng và làm xuất hiện nợ xấu, người đi vay cần lựa chọn kỹ CTTC mà mình dự định tham gia vay vốn.

Khó, dễ: Tính hai mặt của vay tiêu dùng - 1

Ảnh minh họa 

Lãi suất cao là điều dễ hiểu

Gần đây, tín dụng tiêu dùng được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng trong dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Nhu cầu của người dân trong tiêu dùng cá nhân ngày càng cao, từ mua sắm đồ dùng gia đình đến các tài sản có giá trị lớn như ô tô, xe máy hay nhu cầu kinh doanh buôn bán…

Thế nhưng tín dụng tiêu dùng hiện mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ trong nền kinh tế, trong khi các nước trên thế giới tỷ lệ này khoảng 15-25%, thậm chí những nước phát triển tín dụng tiêu dùng chiếm đến 30-40% tổng dư nợ.

Dư địa còn quá lớn như vậy đã lý giải phần nào việc ngày càng có nhiều CTTC cho vay tiêu dùng cá nhân. Để có được khách hàng, nhân viên của các đơn vị này đã xuống tận các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh ô tô, xe máy, điện tử, hàng gia dụng, thậm chí tới các khu chợ đưa ra nhiều hình thức tư vấn trực tiếp hoặc thông qua các hình thức khác như điện thoại, nhắn tin.

Chấp nhận vay tiêu dùng để được đáp ứng những nhu cầu cá nhân nhanh chóng, song cũng có không ít ý kiến phàn nàn về lãi suất vay tiêu dùng ở CTTC là quá cao so với mức lãi suất của ngân hàng.

ThS. Trần Ngọc, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, các khoản vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường có mức lãi suất cao hơn mức cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại do phân khúc khách hàng mà công ty tài chính hướng đến phục vụ là những đối tượng không đủ điều kiện (hoặc ngại) tiếp cận tín dụng từ ngân hàng. Hơn nữa, hình thức cho vay tiêu dùng là cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo), trong khi vay ngân hàng thường dưới hình thức thế chấp. Và theo nguyên lý đơn thuần nhất, rủi ro tín dụng lớn sẽ phải đi kèm với lãi suất cao.

Hiện lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các công ty tài chính áp dụng dao động từ 1,6-7%/tháng. Sự chênh lệch lãi suất này tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng thỏa mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay. Theo đó, dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay…, công ty tài chính sẽ đặt ra nhiều mức lãi suất cho các đối tượng khách hàng.

Nói một cách dễ hiểu là những khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp.

Khách hàng nên “chọn mặt” để vay

Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, để đảm bảo an toàn, người vay nên lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. Bản thân người đi vay cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách tham khảo các hình thức tín dụng tiêu dùng tại các CTTC khác nhau, xem mức lãi suất công ty đưa ra cũng như các ưu đãi đi kèm.

Trước những lo ngại của khách hàng về mức lãi suất khá cao của hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay và có nguy cơ trở thành đầu mối của “tín dụng đen”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định: “Tín dụng tiêu dùng hay công ty tài chính không những không phải là tín dụng đen mà còn là “cứu cánh” cho những người đang chìm trong vấn nạn tín dụng đen. Còn nếu muốn nói tới khía cạnh lãi suất cao thì nên hiểu rằng, rủi ro cao sẽ song hành với lãi suất cao là chuyện đương nhiên. Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HV (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN