Khi các tỷ phú Việt đua nhau làm “nông dân”

Những đại gia bất động sản, thép hay ô tô mặc dù rất thành công trong lĩnh vực của mình nhưng vẫn đua nhau tham gia vào sân chơi nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp dường như được xem là một miếng bánh hấp dẫn đang đợi các ông lớn có tiềm lực tài chính khai phá. Đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường hàng hóa thế giới nhưng tình trạng manh mún và điệp khúc được mùa mất giá của các hộ nông nghiệp nhỏ vẫn đang tiếp diễn. Bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam tuy được quan tâm nhưng vẫn thiếu sự chuyên nghiệp và chiến lược phát triển cụ thể.

Nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng màu mỡ, nhiều đại gia đình đám của Việt Nam đã quyết định đổ tiền vào nông nghiệp, thậm chí bỏ đi cả mảng bất động sản sang trọng để làm một “nông dân” trong thời đại mới. Đã có hàng tỷ USD đổ vào nông nghiệp, thành công có nhưng thất bại cũng nhiều, tuy vậy các đại gia vẫn không ngừng rót tiền để quyết tâm hướng đến xây dựng một hệ thống nông nghiệp chuyên nghiệp và hiện đại.

Bầu Đức “ly hôn” bất động sản, “sống chết” với nông nghiệp

Mảng bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai từng giúp bầu Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong những năm 2009-2010. Sang năm 2013, khi thị trường bất động sản khó khăn, bầu Đức đã từ bỏ lĩnh vực này và chuyển hướng sang nông nghiệp, thủy điện, khai khoáng.

Khi các tỷ phú Việt đua nhau làm “nông dân” - 1

Bầu Đức quyết tâm làm “nông dân”. Ảnh: IT

Tuy nhiên, con đường làm “nông dân” của bầu Đức không hề dễ dàng. Thời gian đầu, ông đặt cược vào đường, cao su, dầu cọ... với sự tự tin rằng giá của các mặt hàng này ở mức cao nên không thể “chết” được, nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.

Với đường, bầu Đức đã rót 100 triệu USD để xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu nằm trên nông trường rộng hơn 10.000. Tuy nhiên, năm 2017, bầu Đức phải bán lại cơ ngơi này cho một đại gia ngành đường là ông Đặng Văn Thành với giá 1.330 tỷ đồng.

Còn với cao su, bầu Đức từng đưa ra tuyên bố: "Bán nhà cũng phải trồng cao su" hay "Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm lợi nhuận thu được của tôi sẽ là 450 triệu USD". Tuy nhiên, ngay sau khi HAGL đầu tư vào cao su, giá mặt hàng này đã liên tục sụt giảm từ mức 4.000 - 5.000 USD xuống chỉ còn 1.650 USD/tấn vào năm 2016. Doanh thu và lợi nhuận của HAGL từ cao su cũng không được là bao.

Năm 2014, bầu Đức lại quyết định nuôi bò số lượng lớn tại Lào và khẳng định "HAGL nuôi bò thì thế giới không đâu bằng". Mặc dù chưa đem lại kết quả xuất sắc, nhưng 2 năm sau, doanh thu từ bò đã cứu lại bầu Đức trong giai đoạn mà cơn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm, phải cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn.

Khi các tỷ phú Việt đua nhau làm “nông dân” - 2

Vườn chanh dây của HAGL Agrico. Nguồn: HAGL Agrico

Đến 2017, lợi nhuận từ kinh doanh bò giảm sút, thậm chí lỗ, Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định tập trung toàn lực vào mảng cây ăn trái. Thời điểm hiện tại, hướng đi này đã mang đến cho HAGL những hi vọng tích cực. Doanh thu nửa đầu 2018 của HAGL có phần lớn từ mảng trái cây, biên lợi nhuận gộp của mảng này cũng rất tốt.

Đại gia ô tô THACO bắt tay với bầu Đức làm nông nghiệp

Nhìn thấy tiềm năng ở mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai, tỷ phú USD Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO Trường Hải đã quyết định bắt tay với bầu Đức để phát triển lĩnh vực này. THACO đã quyết định rót cả chục ngàn tỷ đồng vào công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai với quyết tâm tái cơ cấu và xây dựng doanh nghiệp này trở thành một tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng công nghiệp hiện đại.

Khi các tỷ phú Việt đua nhau làm “nông dân” - 3

Cái bắt tay giữa THACO và Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL Group

Trước đó vào năm 2017, THACO cũng đã đầu tư mở Nhà máy sản xuất Máy nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Đầu năm 2018, nhà máy này đã đưa ra thị trường 3000 máy nông nghiệp các loại.

“Vua thép” Hòa Phát bán trứng gà, Vingroup bán rau củ quả

Năm 2015, Hòa Phát của đại gia Trần Đình Long cũng đã gây bất ngờ khi thông báo sẽ đổ một số vốn lớn để nhảy vào mảng nông nghiệp, cụ thể là mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau đó, công ty này còn trực tiếp mở thêm một công ty chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Khi các tỷ phú Việt đua nhau làm “nông dân” - 4

Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long đầu tư vào mảng trứng gà. Ảnh: HPG

Năm 2016, mảng nông nghiệp chiếm 4,4% tổng doanh thu của Hòa Phát, tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Năm 2018, Hòa Phát còn dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm, bên cạnh đó còn gia tăng đàn bò ở Australia.

Một đại gia khác cũng lấn sân vào nông nghiệp đó là Vingroup với VinEco. Công ty này được thành lập vào 2015 và tập trung vào sản xuất rau củ quả sạch các loại. Dù đi sau nhưng Vingroup có một lợi thế to lớn mà nhiều đại gia khác không có chính là đầu ra sản phẩm dễ dàng nhờ 2 hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ rộng khắp cả nước.

Đại gia thua lỗ nặng khi tin tưởng đầu tư vào ô tô

Lỗ 60% chỉ sau hơn một năm bỏ vốn, chuyên gia đầu tư đã phải chấp nhận một thương vụ thất bại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Doanh nhân và 1001 cách làm giàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN