Hậu cổ phần hóa, doanh nghiệp “ôm đất” làm liều

Có hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

Đây là đánh giá trong “Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016” trình Quốc hội ngày 28/5.

Theo báo cáo, một trong những kết quả tích cực giai đoạn 2011-2016 là cả nước cổ phần hóa 571 doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề là vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.

Ví dụ: Bộ Xây dựng chậm cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực miền Nam,...

Có thực tế là, lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp, có nhiều tổng công ty, tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% -2% vốn điều lệ). Hậu quả là việc cổ phần hóa chưa đạt mục tiêu là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài.

Đơn cử như, sau khi bán cổ phần lần đầu, vẫn có có 70 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 94.99% vốn điều lệ), Tổng công ty Thép Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 93,6% vốn điều lệ), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 95,5% vốn điều lệ),…

Đặc biệt, về đất đai, báo cáo chỉ ra, quá trình cổ phần hóa còn vướng mắc liên quan đến đất đai. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi cổ phần hóa, ví dụ như một số doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hãng Phim truyện Việt Nam,…

Hậu cổ phần hóa, doanh nghiệp “ôm đất” làm liều - 1

Quá trình cổ phần hóa còn nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai.

Thực tế quá trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian, điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.

Cũng về đất, báo cáo cho rằng, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.

Thậm chí, có hiện tượng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Qua đó, Đoàn giám sát Quốc hội nếu đề nghị, với doanh nghiệp Nhà nước, cần nghiên cứu cơ chế đối với Ban kiểm soát, kiểm soát viên theo hướng hoạt động độc lập, không để xảy ra tình trạng thao túng toàn bộ hoạt động doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Khôi ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN