Hàng vạn nhân viên của đại gia dầu khí lớn nhất TG sắp thất nghiệp

Đại gia dầu khí lớn nhất thế giới Royal Dutch Shell vừa tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên khi sáp nhập với tập đoàn BG.

Theo kế hoạch, năm 2018 Shell sẽ bán 30 tỷ USD tài sản nếu việc sáp nhập với tập đoàn BG thành công để đảm bảo kinh doanh sinh lợi trong bối cảnh giá dầu toàn cầu đang lao dốc.

Hãng sản xuất dầu này vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2015 cách đây vài ngày, đồng thời cảnh báo về thời kỳ kinh doanh khó khăn phía trước.

Trong kế hoạch cắt giảm nhân sự của Shell, hãng này tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên và các nhà thầu trực tiếp trong giai đoạn 2015-2016 giữa hai công ty. Đây được cho là động thái hợp nhất giữa Shell và BG.

Về việc bán tháo tài sản, Shell cho biết, giá trị tài sản bán ra vào năm 2014 và 2015 hiện đã vượt quá 20 tỷ USD, cao hơn kế hoạch ban đầu được đặt ra là 15 tỷ USD vào đầu năm 2014. Giai đoạn 2016-2018 Tập đoàn sẽ tiếp tục chuẩn bị cho việc bán được 30 tỷ USD tài sản nếu sáp nhập với BG thành công.

Việc sụt giảm của giá dầu tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của Shell. Tập đoàn này cảnh báo rằng lợi nhuận quý IV năm 2016 dự kiến sẽ ở mức 1,6-1,9 tỷ USD, thấp hơn 40% so với năm trước.

Hàng vạn nhân viên của đại gia dầu khí lớn nhất TG sắp thất nghiệp - 1

Ông Van Beurden - CEO Tập đoàn Shell.

Ngày 20/1 Shell cho biết lợi nhuận năm 2015 giảm khoảng một nửa so với năm 2014. Kết quả này được xem là một bằng chứng cho thấy sự sụt giảm của giá dầu đã có ảnh hưởng lớn như thế nào tới ngành công nghiệp năng lượng thế giới.

Theo tờ Wall Street Journal, Shell ước tính lợi nhuận quý 4 của hãng dao động trong khoảng 1,6-1,9 tỷ USD, giảm từ mức 3,3 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận cả năm của hãng được dự báo giảm còn 10,4-10,7 tỷ USD, từ mức 22,6 tỷ USD của năm 2014.

Thực tế, Shell đã cắt giảm chi tiêu 4 tỷ USD trong năm 2015, tương đương với 10% của Capex.

Việc hoàn tất các giao dịch giữa BG và Shell được đánh giá là sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới để trẻ hóa và cải thiện lợi nhuận cổ đông.

Royal Dutch Shell, thường được biết đến với tên gọi Shell, được thành lập vào năm 1907. Đây là tập đoàn dầu khí đa quốc gia liên kết giữa Hà Lan và Anh và là một trong những tập đoàn năng lượng tư nhân lớn nhất trên thế giới. Trụ sở của Shell đặt tại The Hague - Hà Lan, trụ sở đăng kí đặt tại London (Shell Centre). Người sáng lập ra Shell là Marcus Samuel. Cha ông là người Do Thái sang định cư tại Anh. Marcus Samuel sinh năm 1851 tại London và mang quốc tịch Anh. Marcus đã khởi nghiệp kinh doanh từ những chiếc vỏ sò, vỏ ốc trai... Ông thừa hưởng từ người cha mang dòng máu Do Thái sự thông minh và khả năng nhìn nhận sự việc. Lúc nhỏ, Marcus Samuel cùng cha đi khắp nơi trên thế giới cũng như cùng ngồi đàm phán với khách hàng và người dân bán vỏ sò. Tuổi thơ của ông gắn bó với những chiếc vỏ sò, chính vì vậy mà sau này Marcus Samuel đã đặt tên công ty là Shell.

Trong suốt quá trình phát triển với các chương trình marketing và tầm nhìn của ban lãnh đạo, Shell được biết đến như là một trong 100 nhãn hiệu dễ nhận biết nhất trên thế giới với logo con sò màu vàng sọc đỏ. Theo báo cáo hàng năm về các nhãn hiệu toàn cầu, trị giá thương hiệu của Shell hiện nay là 29 tỷ USD (tăng 35% so với năm 2012). Cơ cấu tổ chức của Shell bao gồm các ngành kinh doanh: Thượng nguồn châu Mỹ (Upstream Americas), Thượng nguồn Quốc tế (Upstream International), Hạ nguồn (Downstream) và Dự án & Công nghệ (Projects & Technology). Các cơ sở này chi phối tất cả các hoạt động của Shell từ sản xuất đến kinh doanh trên toàn thế giới.

Bên cạnh những mục tiêu tài chính Shell cam kết đảm bảo môi trường và những yếu tố xã hội trong bất cứ hoạt động nào của công ty. Năm 1997, Shell xuất bản cuốn "Báo cáo của Shell" công khai các hoạt động về môi trường, đạo đức và xã hội. Báo cáo của tổ chức diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu (Management & Excellence) đánh giá Shell là công ty kinh doanh đạo đức nhất trong ngành công nghiệp dầu nhớt 2005, tiếp đến là Exxon/Mobil và BP. Những đánh giá về đạo đức này chủ yếu dựa trên đánh giá các lĩnh vực của đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, trong sạch, bảo vệ môi trường và hợp tác với chính quyền.

Tập đoàn Shell ngày nay có tới hàng trăm công ty con có mặt khắp nơi trên thế giới với hơn 40.000 cửa hàng cung ứng các sản phẩm như: xăng xe, dầu nhớt, sản phẩm chăm sóc xe, thực phẩm, nước uống, rau quả, sản phẩm du lịch,... Tất cả đều mang lại lợi nhuận cao, những sản phẩm và dịch vụ mới vẫn tiếp tục ra đời.

Shell là thành viên chính của dự án "Mobility 2030" do Hiệp hội Phát triển nhiên liệu Thế giới. Tháng 5/2013, Shell đầu tư vào một số dự án bao gồm dự án nước sâu ở Nigeria và một dự án lọc dầu ở Oman. Hãng cũng đã nhất trí mua một phần danh mục đầu tư khí gas thiên nhiên hóa lỏng của Repsol bên ngoài khu vực Bắc Mỹ. Ở Anh, hãng tiếp tục tăng lượng cổ phần đáng kể trong mỏ dầu ngoài khơi Schiehallion ở phía Tây quần đảo Shetland.

Shell hiện có hơn 1 triệu cổ đông, người Anh chiếm đa số với khoảng 40%, người Hà Lan 20% và người Mỹ là 15%. Tính quốc tế của Shell không chỉ thể hiện trong cơ cấu cổ đông mà còn trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Các thành viên lãnh đạo chủ chốt của Shell đến từ nhiều nước khác nhau như: Anh, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Ailen... Hiện nay, Shell có 3 công ty hoạt động tại Việt Nam bao gồm: Shell Việt Nam, Shell Gas (LGP) Việt Nam và Shell Gas (LGP) Hải Phòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN