Hạn chế nguồn cung ảo bất động sản

Bơm vốn cho những dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, dừng dự án chưa giải phóng xong mặt bằng hoặc những dự án mới chỉ làm xong móng sẽ góp phần kìm chế nguồn cung ảo, đồng thời thúc đẩy việc giải phóng hàng tồn kho bất động sản.

Đây là một trong những giải pháp đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp bất động sản Hà Nội ngày 25/10.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong suốt một quá trình dài, thị trường bất động sản đã phát triển một cách tự phát, thiếu tính quy hoạch, kế hoạch đã gây ra tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu. Đơn cử, trong khi đại bộ phận người dân có mức thu nhập trung bình có nhu cầu về nhà ở diện tích nhỏ, giá rẻ thì các doanh nghiệp đua nhau xây dựng các dự án chung cư cao cấp, diện tích lớn khiến cho cung và cầu có khả năng thanh toán không thể gặp nhau.

Hạn chế nguồn cung ảo bất động sản - 1

Tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu bất động sản đã diễn ra trong một thời gian dài.

Điều cần làm lúc này đó là có giải pháp cân đối nguồn cung và cầu, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trước mắt cần kiểm soát chặt nguồn cung “ảo”, không cho nguồn cung này tham gia thị trường. Có như vậy mới có thể giải quyết được lượng hàng tồn kho bất động sản đang bị ứ đọng hiện nay.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 20.000 ha đất chưa được đầu tư hết. Trong đó phần lớn vẫn trong diện chưa giải phóng mặt bằng. Đây cũng là một may mắn cho thị trường bất động sản. Vì vậy, theo đề xuất của Bộ Xây dựng, những dự án chưa giải phóng mặt bằng thì tạm dừng giải phóng để tránh tình trạng để đất hoang hóa. Những dự án đang giải phóng mặt thì Nhà nước cần hỗ trợ và phối hợp với doanh nghiệp để cơ cấu lại để tăng phần diện tích đất dành cho các dự án nhà ở xã hội. Đối với phần đất chưa sử dụng cũng cần có những biện pháp để khai thác, tránh tình trạng hoang hóa xảy ra. Đối với những dự án đã xây dựng không bán được thì các sở ban ngành cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang các diện tích nhỏ.

Trước đề xuất của Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng, đa số các doanh nghiệp và các Sở ban ngành đều đồng tình. Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, việc làm cấp bách hiện nay đó là hạn chế nguồn cung ra thị trường. Việc hạn chế nguồn cung trong bối cảnh thị trường lúc này sẽ đem lại một số thuận lợi như cung cầu không bị lệch, giá nhà đất sẽ ổn định hơn, tồn kho cũ được giải phóng, nợ xấu cũng được giải quyết. Điều này sẽ rất tốt cho các doanh nghiệp, người dân và cả nhà nước. "Trong lúc thị trường đang xấu, tài chính khó khăn, việc giãn tiến độ thực hiện dự án, hoặc là ra hạn gia thêm thời gian cho các dự án là việc rất cần thiết" vị này cho biết. Cũng theo vị này, để chờ cơ chế thực hiện rất lâu do vậy khiến nghị Bộ Xây dựng cho thí điểm trước mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Sở quy hoạch, kiến trúc Hà Hội cho rằng, về phía Sở xem xét giải quyết sớm đối với những dự án, công trình đã được đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư mà các chủ đầu tư muốn chuyển đổi, điều chỉnh sang xây dựng nhà ở xã hội. Biện pháp này được ông Hải cho là dễ hơn đối với các dự án đã có nhà ở.

Đối với những dự án tồn đọng hiện nay, theo đề xuất của Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc, để tăng tính hấp dẫn cho dự án, chủ đầu tư cần sớm hoàn thiện hạ tầng, đầu tư thêm các hạng mục về hạ tầng xã hội. Việc hoàn thiện các hạng mục hạ tầng sẽ tạo được sức hút đối với người dân vì hiện nay có rất nhiều dự án nhà ở hạ tầng đang rất kém. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Đào (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN