Đến lượt khách sạn 'bội thực' nguồn cung
Dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào lĩnh vực khách sạn đang tạo ra nguồn cung phòng dồi dào trên khắp cả nước, giống như thời kỳ bùng nổ đầu tư khách sạn cách đây hơn một thập kỷ.
Bất chấp khó khăn đang bủa vây thị trường bất động sản, lĩnh vực đầu tư khách sạn (KS) vẫn tỏ ra có sức hút mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường KS STR Global công bố tháng 7/2012, Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có số lượng phòng đang được xây dựng nhiều nhất, với 7.100 phòng. Trong số này, theo ước tính của Báo Đầu tư, có khoảng 4.500-5.000 phòng KS tiêu chuẩn 4-5 sao sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013.
Sự bùng nổ nguồn cung KS hiện nay có thể so sánh với thời hoàng kim của đầu tư trong lĩnh vực này ở các năm 1995-1998. Thời kỳ đó đã chứng kiến sự dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ồ ạt vào lĩnh vực KS, với sự ra đời của các KS lớn, như Hilton, Daewoo, Melia tại Hà Nội hay Renaissance Riverside và New World tại TP.HCM. Tương tự, sự bùng nổ nguồn cung KS hiện nay vẫn có sự kích hoạt của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng có thêm một số “ngòi nổ” khiến đầu tư còn nhộn nhịp hơn.
Trào lưu đầu tư resort, khách sạn lớn
Điểm khác biệt đầu tiên dễ nhận thấy là hiện đã xuất hiện những khu phức hợp nghỉ dưỡng (resort) quy mô lớn của các nhà đầu tư nước ngoài mà trước đây không có. Đơn cử, Dự án Khu phức hợp Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 4,2 tỷ USD.
Ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc Asian Coast Development Ltd (chủ đầu tư Dự án) cho biết, KS MGM Grand (với 541 phòng) dự kiến sẽ được khai trương vào đầu năm 2013, đồng thời, tiếp tục khởi công KS 5 sao MGM Grand thứ 2 (với 559 phòng).
Tới nay, hệ thống InterContinental đã cung cấp ra thị trường Việt Nam hơn 1.200 phòng khách sạn 5 sao.
Tại Thừa Thiên Huế, giai đoạn đầu của Khu phức hợp nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, với tổng vốn đăng ký gần 900 triệu USD cũng sẽ đi vào hoạt động vào ngày 1/11/2012 với KS Angsana 229 phòng, khu biệt thự nghỉ dưỡng Banyan Tree với 49 căn và một sân golf 18 lỗ. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đang lên kế hoạch phát triển những giai đoạn tiếp theo với mục tiêu phát triển tổng cộng 7 KS, với 2.000 phòng, khu căn hộ, biệt thự trên diện tích 280 ha.
Một điểm khác biệt nữa là, bên cạnh phòng KS thông thường, các resort hiện còn có thêm hạng mục căn hộ, biệt thự để bán, sau đó người mua cho thuê lại. Tại Khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng, ngoài 200 phòng KS, còn có 182 căn hộ và 27 biệt thự. Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Luxury Đà Nẵng cũng có 200 phòng KS và 39 biệt thự cho thuê. Đây cũng là xu hướng đầu tư của nhiều dự án KS, resort đang xây dựng, như Crowne Plaza Nha Trang hay Blue Saphire tại Vũng Tàu. Sự xuất hiện của các khu căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng gần đây càng làm cho nguồn cung cơ sở lưu trú thêm đa dạng.
Một trong những nguyên nhân khiến số lượng phòng KS tăng mạnh gần đây là do sự xuất hiện của nhiều dự án quy mô lớn mà trước đây không có. Hai dự án KS xây cách đây hơn một thập kỷ, như New World tại TP.HCM (với 533 phòng) và Daewoo tại Hà Nội (với 411 phòng) được coi là những KS lớn nhất cả nước, thì gần đây, xuất hiện thêm nhiều dự án quy mô tương đương hoặc lớn hơn, như Crowne Plaza Đà Nẵng (535 phòng), Grand Plaza Hà Nội (618 phòng). Trong năm tới, sẽ có thêm nhiều KS lớn khai trương, như Best Western Premier Havana tại Nha Trang (với 1.000 phòng), JW Mariott tại Hà Nội (450 phòng).
Trào lưu đầu tư KS quy mô lớn hiện nay còn có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước. Nếu như ở những khách sạn trước đây, các DN Việt Nam chỉ tham gia với tư cách góp vốn vào liên doanh bằng tiền sử dụng đất, thì hiện nay, nhiều DN trong nước đã tự đứng ra làm chủ đầu tư những dự án KS quy mô lớn. Chẳng hạn, Bitexco đang làm chủ đầu tư 2 dự án KS hạng sang là JW Mariott tại Hà Nội và The Ritz-Carlton tại TP.HCM; Vingroup đang thiết lập chuỗi KS mang tên Vinpearl với các dự án tại Nha Trang, Đà Nẵng và TP.HCM. Không chỉ làm chủ đầu tư, một số DN trong nước còn mạnh tay mua lại KS của đối tác nước ngoài, như BRG mua lại KS Hilton Hanoi, Sovico Holding mua Furama Resort Danang và Hanel mua lại Daewoo.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách quốc tế trong những năm gần đây cùng với triển vọng sáng sủa của ngành du lịch Việt Nam được các tổ chức quốc tế công nhận là liều thuốc kích thích các nhà đầu tư rót vốn đầu tư KS.
Hiện hữu nguy cơ dư thừa
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo về nguy cơ dư cung phòng KS do một lượng lớn KS mới mở cửa vào giữa lúc tốc độ tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế có xu hướng chậm lại, cùng với triển vọng nền kinh tế Việt Nam và thế giới còn khó khăn trong những năm tới.
Ông Kai Marchus Schroter, Tổng giám đốc Công ty tư vấn quản lý KS và du lịch HTM, nhận định, kinh doanh KS, resort tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới. Một trong những khó khăn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các KS, resort ở một số thành phố và địa điểm du lịch nhất định. Đơn cử, tại Đà Nẵng, nếu như trước năm 2010 chỉ có 2 KS 5 sao là Hoàng Anh Gia Lai và Furama Resort, thì mấy năm gần đây, xuất hiện thêm một loạt KS lớn, như Mercure, InterContinental, Hyatt Regency, Crowne Plaza, nâng tổng số phòng KS 5 sao lên gần 1.650 phòng. Trong năm tới, dự kiến, có thêm gần 1.000 phòng KS 4-5 sao sẽ gia nhập thị trường Đà Nẵng.
Ông Kai Marchus Schroter cho rằng, những KS, resort không có những điểm độc đáo về vị trí, thiết kế, thương hiệu và dịch vụ sẽ không có lợi thế trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong lĩnh vực kinh doanh KS.