Giá nhà “bốc hơi” gần 30% trong hai năm

Theo báo cáo về chỉ số giá bất động sản do Savills Việt Nam vừa công bố, trong quý 1/2013, chỉ số giá nhà ở Hà Nội là 108,3, giảm 6,4 điểm so với quý trước và -16,7 điểm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này đã giảm 7 quý liên tiếp với mức giảm xấp xỉ 22% sau khi đạt đỉnh ở mức 138,7 vào quý 2/2011.

Sau khi tăng mạnh trong khoảng thời gian từ quý 1/2012 đến quý 3/2012, tỷ lệ hàng tồn kho đã duy trì ổn định trong 3 quý liên tiếp mặc dù thị trường vẫn tiếp tục đón nhận thêm nguồn cung mới, vì số lượng căn bán được duy trì ổn định trong khoảng thời gian này.

Trong khi đó, giá bán trung bình toàn thị trường, bao gồm cả các dự án mới, đã giảm 27% kể từ quý 2/2011 do các dự án mới gia nhâp thị trường có mức giá thấp đồng thời các dự án đang bán cũng giảm trực tiếp giá bán.

Chỉ số giá theo kỳ cơ sở tăng mạnh 41% trong giai đoạn từ quý 1/2009 đến quý 2/2011 do tình trạng đầu cơ tăng cao. Tuy nhiên kể từ sau quý 2/2011, chỉ số giá theo kỳ cơ sở giảm liên tiếp khi thị trường điều chỉnh để hướng đến người sử dụng cuối cùng.

Giá nhà “bốc hơi” gần 30% trong hai năm - 1

Thị trường nhà ở tại Hà Nội và Tp.HCM đã giảm liên tiếp trong 7 quý với mức giảm giá từ 22 - 27%

Trong khi đó, tại Tp.HCM, chỉ số giá nhà ở của quý 1/2013 đứng ở mức 89,2 điểm, giảm nhẹ 0,4 điểm so với quý trước và giảm 3 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giảm giá hầu hết được ghi nhận ở các dự án có tình trạng bán không tốt.

Mặc dù nguồn cung tăng đáng kể trong quý này, tỉ lệ hấp thụ vẫn ở mức ổn định nhờ vào sự gia tăng của số lượng bán. Tổng lượng giao dịch trong quý tăng 2% so với quý trước và 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch đã tăng liên tục trong 3 quý gần đây nhất.

Kể từ quý cơ sở là quý 1/2009, giá trung bình toàn thị trường bao gồm cả dự án mới đã giảm khoảng 22%; trong khi đó chỉ số giá được tính trên rổ cố định chỉ giảm 11 điểm. Điều này cho thấy giá giảm chủ yếu do sự gia nhập và ảnh hưởng của các dự án mới hơn là do sự điều chỉnh giá của các dự án hiện hữu.

Theo Savills, chỉ số giá mặc dù vẫn đang trên đà giảm, tuy nhiên đã có chiều hướng chậm lại trong quý này. Cộng với sự tăng mạnh của lượng giao dịch, đây có thể là dấu hiệu tốt của sự hồi phục và ổn định của thị trường trong thời gian tới.

Khảo sát của Savills cũng được thực hiện ở mảng văn phòng cho thuê với những thông số không mấy khả quan.

Theo đó, chỉ số văn phòng Hà Nội chuyển động theo xu hướng tăng dần từ năm 2006 và đạt đỉnh vào giữa năm 2008. Từ quý 2/2008, chỉ số văn phòng giảm dần liên tục thể hiện việc thị trường khá nhạy với việc gia nhập thị trường của các dự án mới.

Trong quý 1/2013, chỉ số văn phòng đạt 59 điểm, giảm 0,5% so với quý trước và 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù công suất thị trường tăng nhẹ 1% theo quý, nhưng sự sụt giảm 2% trong giá thuê bình quân theo quý đã dẫn đến sự sụt giảm của chỉ số văn phòng.

Mức doanh thu bình quân đạt 330 – 340 nghìn đồng/ m2/ tháng trong quý 1/2013, giảm 1% so với quý trước và 17% so với năm trước.

Tương tự, tại Tp.HCM, chỉ số hoạt động văn phòng theo quý cũng bắt đầu tăng kể từ năm 2006, đạt đỉnh vào quý 2/2008 và sau đó giảm mạnh trong 2 quý cuối của năm 2008. Kể từ năm 2010, thị trường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong quý 1/2013, chỉ số hoạt động văn phòng đạt mức 73 điểm, tăng 1,7 điểm so với quý trước.

Mặc dù giá thuê trung bình giảm nhẹ, công suất cho thuê toàn thị trường tăng đã giúp chỉ số văn phòng được cải thiện. Trong quý này, khu vực trung tâm hoạt động tốt hơn khu vực ngoài trung tâm cả về giá thuê lẫn công suất cho thuê. Theo đó, chỉ số của khu vực trung tâm tăng nhẹ 1 điểm, trong khi đó chỉ số của khu vực ngoài trung tâm giảm 3 điểm so với quý trước.

Theo Savills, cùng với việc gia tăng của chỉ số hoạt động, lượng hấp thụ của thị trường văn phòng quý này cũng tăng mạnh 173% so với quý trước và 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những dấu hiệu lạc quan cho thấy sự hồi phục và ổn định của thị trường văn phòng trong những quý tiếp theo. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Song Hà (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN