Gần nửa dân Hà Nội bi quan về kinh tế

Kết quả khảo sát niềm tin tiêu dùng tại Hà Nội cho thấy, những khó khăn về kinh tế, thu nhập, việc làm khiến nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu hoặc có tâm lý mua sắm dè dặt, trực tiếp làm giảm sức cầu của thị trường.

Thiếu việc làm, thu nhập thấp

 

Sáng 16/1, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố kết quả khảo sát về niềm tin tiêu dùng tại Hà Nội. Theo đó, có 40,3% trong số 1.500 người dân Hà Nội được hỏi bi quan về tình hình kinh tế với lý do là họ gặp những khó khăn về kinh tế, thu nhập và việc làm...  

"Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, là nơi tập trung nhiều thành phần dân cư, đặc biệt là có nguồn nhân lực năng động, có trình độ chuyên môn, hiểu biết rộng nên những đánh giá và nhận định của người dân Thủ đô về kinh tế đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng”.

TS. Nguyễn Văn Thuật Trung tâm Thông tin và dự báo KT-XH quốc gia  (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo TS. Nguyễn Văn Thuật - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trên, trong 6 tháng cuối năm 2013, tỷ lệ nhận định tiêu cực về kinh tế đã giảm hơn 6%, cho thấy một tín hiệu tốt hơn so với đầu năm, nhưng vẫn có tới 34,1% gia đình có thu nhập thấp và 59,6% gia đình có thu nhập trung bình. Về việc làm, trong 6 tháng cuối năm 2013 còn 31% người được khảo sát cho biết, không có việc làm ổn định và 3,1% người được khảo sát không có việc làm phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Quyền - Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội cho rằng, thị trường năng động, nhiều giai tầng xã hội và nghiên cứu trên phản ánh đúng thực tế sự xê dịch của mặt bằng kinh tế, tình hình kinh tế, lao động và việc làm, sức mua thu nhập của người dân. Chỉ số này cũng là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà quản lý đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp với thực tế. “Những chỉ số trên phản ánh đúng tình hình kinh tế của Hà Nội, nó cho thấy “sức khỏe” của tình hình kinh thành phố và là cơ sở để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đưa ra những chính sách điều tiết quản lý, kinh doanh hiệu quả”, TS. Nguyễn An Lịch - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay.

Gần nửa dân Hà Nội bi quan về kinh tế - 1

Hàng hóa được các siêu thị khuyến mại, hạ giá trong dịp Tết để kích cầu nhưng vẫn thưa khách

Mua sắm dè dặt

Khảo sát tại một số chợ, đại lý thực phẩm, siêu thị điện máy tại khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông… dù nửa tháng nữa là đến Tết Âm lịch, nhưng không khí mua sắm vẫn đìu hiu. Tại chợ Hà Đông, chị Hà - Chủ hiệu quần áo trên gác 2 than thở: “Gần Tết rồi mà buôn bán vẫn ế ẩm như hồi giữa năm. Chẳng biết 5-7 ngày nữa có khá khẩm hơn không”. Tại các khu vực mới như Xa La, Văn Quán, khá nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng, văn hóa phẩm, cửa hàng tiện ích, dịch vụ làm đẹp… đã phải đóng cửa chỉ sau vài tháng khai trương. Anh Nguyễn Hùng Đông- chủ ngôi nhà hai mặt tiền ở Khu đô thị Văn Quán đang tìm khách thuê nhà cho biết, năm nay đã ba lần người thuê “đến rồi đi” vì không làm ăn được, từ thuê mở cửa hàng tạp hóa, rồi đến văn hóa phẩm, rồi cửa hàng spa. Tương tự, trên đường Nguyễn Trãi, Chùa Bộc xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển thanh lý hoặc cho thuê lại toàn bộ cửa hàng. 

Tại chợ tạm Ngã Tư Sở, một số tiểu thương buôn bán mặt hàng kim khí, đồ điện gia dụng cho biết, doanh thu trong vài tháng gần đây cũng chỉ đạt ở mức duy trì cửa hàng chứ ít có lãi. Trong lĩnh vực điện máy, đã có một số siêu thị phải đóng cửa, trong khi một số siêu thị mới mở có diện tích lớn nhưng khách đến thưa thớt… Thực tế này là một minh chứng phù hợp cho kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu. Bởi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân Hà Nội giảm sút đáng kể là lý do chính khiến cho các hoạt động kinh doanh trở nên ế ẩm, khó khăn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Xiêm (Giaothongvantai.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN