"Doanh nhân không nên chờ gói hỗ trợ"

Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 4.6.

Cụ thể, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh hiện nay, nếu đòi hỏi Chính phủ phải tung ra nhiều gói kích cầu rất khó, vì nguồn lực của Chính phủ có hạn. “Ngay cả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kích thích thị trường bất động sản cũng không có giá trị lớn, mà phần nhiều là mang ý nghĩa động viên, tinh thần như một thông điệp đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

"Doanh nhân không nên chờ gói hỗ trợ" - 1
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Vũ Tiến Lộc

Với nguồn lực hạn chế, theo ông Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp làm gì để thoát khỏi những khó khăn hiện nay?

Trong bối cảnh hiện nay, điều doanh nghiệp cần là thông điệp rất rõ ràng về lộ trình cải cách, trong đó Chính phủ cần kiên định mục tiêu mục tiêu kiềm chế lạm phát, cải cách thể chế theo hướng bình đẳng, công khai, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, đi kèm với hành động quyết liệt để doanh nghiệp hình dung được Chính phủ sẽ làm gì.

Nghị quyết 02 và các biện pháp khác đã cơ bản đồng bộ, vấn đề là làm sao triển khai cho nhanh. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Qua nghiên cứu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của chúng tôi cho thấy dư địa trong cải cách hành chính còn rất lớn.

Tôi lấy ví dụ, tỉnh Ninh Thuận là địa phương có bước bứt phá, từ nhóm 20 top dưới vượt lên nhóm 20 top trên về năng lực cạnh tranh, với nhiều kinh nghiệm tốt như đã mời những nhà quy hoạch hàng đầu của quốc tế tư vấn về quy hoạch phát triển, thành lập cơ quan đầu mối để đồng hành với các nhà đầu tư giải quyết thủ tục pháp lý… Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, hơn một nửa tỉnh, TP có thủ tục, giấy phép gia nhập thị trường của doanh nghiệp đơn giản hơn Ninh Thuận. Tức là dù được coi là một ngôi sao trong cải cách, song rõ ràng Ninh Thuận vẫn phải đi học các địa phương khác về cách làm đơn giản, hiệu quả trong gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số biện pháp tài chính có thể giúp phát huy tác dụng ngay, song phải có bước đột phá. Chẳng hạn, thuế Thu nhập doanh nghiệp, nếu giảm từ 25% xuống 22% vẫn là ngập ngừng, nên giảm còn 20%. Tương tự, trần chi phí quảng cáo nên nâng từ 10% lên 20% thay vì dự kiến 15%...

Về phía doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?

Doanh nghiệp phải tự vận động, tự tái cấu trúc, vươn lên chứ không thể trông chờ, ỉ lại được. Trong bối cảnh khó khăn chung, một bộ phận doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt vì đã tỉnh táo, tự tái cấu trúc từ 2007. Nay các doanh nghiệp càng phải chủ động, tích cực tái cấu trúc hơn nữa, nếu muốn tồn tại, phát triển. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyễn (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN