Doanh nghiệp vẫn sợ thanh - kiểm tra

Sự kiện: Kinh Doanh

Nếu so sánh với các nước thì tại Việt Nam, mỗi doanh nghiệp bị thanh tra mỗi năm một lần vẫn là quá nhiều.

Sau vài tháng triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với yêu cầu không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp (DN), tiếng "kêu than" từ phía DN đã phần nào giảm bớt. Song, nhiều vụ việc xảy ra gần đây cho thấy thanh - kiểm tra vẫn là nỗi ám ảnh với cộng đồng DN.

"Cúng" cho xong việc!

Đầu tháng 10, trưởng Phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Bình Định bị bắt quả tang khi nhận hối lộ 130 triệu đồng từ đại diện một DN xây dựng trên địa bàn. Hay câu chuyện một ông phó cục trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đi thanh tra mà có tới gần 400 triệu đồng bị đánh cắp…

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngay trước thời điểm Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị 20, có 37% số DN thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Còn khoảng 13,8% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong những DN có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, 52,4% lượt DN cho rằng các cuộc kiểm tra có những nội dung giống nhau. Cá biệt có những DN bị kiểm tra 9 lần trong một năm.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ ngành và thanh tra tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm dẫn đến tần suất các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với DN vẫn còn cao…

Doanh nghiệp vẫn sợ thanh - kiểm tra - 1

Giám đốc một DN dệt may tại khu vực phía Bắc cho hay với riêng DN của ông, trước đây số lượt các đoàn thanh, kiểm tra tới "thăm" khá lớn nhưng năm 2017 đã giảm khoảng 20% so với năm ngoái. "Tôi nghĩ có lẽ do hiệu quả từ Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ. Song thực tế, công tác thanh - kiểm tra còn nhiều. Các DN nhỏ thường sẽ bị đối xử không công bằng nhiều hơn bởi hạn chế từ mối quan hệ, bị chèn ép và phải thừa nhận là luôn có chi phí cho các đoàn làm việc" - ông giãi bày.

Cũng theo vị đại diện DN này, lĩnh vực bị thanh tra, bị gây khó dễ nhiều nhất chính là môi trường, thuế, hải quan… Trong đó, nhiều lĩnh vực hiện nay tồn tại tình trạng các luật, nghị định, thông tư đan xen, chồng chéo, không rõ ràng, "nói thế này cũng đúng mà nói thế kia cũng đúng". "Đã sinh ra các đoàn thanh, kiểm tra thì họ vạch ra đủ thứ để hành. Nhiều lúc DN rơi vào tình huống không biết được thế nào đúng nên cứ "cúng" cho xong việc" - vị giám đốc tâm tư.

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, thừa nhận vấn đề thanh tra DN gần đây đã không còn quá "nóng", nhất là sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng.

Từ góc độ tạo thuận lợi cho DN nói chung, ông Giám cho rằng các nghị quyết 19, 35 được liên tục triển khai từ năm 2014 đến nay là giải pháp đúng đắn khi đưa ra các bộ chỉ số lớn để đo mức độ cắt giảm thủ tục, sự hài lòng của DN. Ông đánh giá việc triển khai các nghị quyết đã tạo niềm tin cho DN. "Cũng cần phải hiểu là mặc dù chúng ta vẫn nói phải giảm phí cho DN hay nói là phải chống tham nhũng song tham nhũng như cỏ, không thể hết được. Nhưng trên mặt đường nhựa, mặt đường bê tông, những khúc chúng ta có quy hoạch thì chỉ có những loại cỏ nhất định mọc được còn những loại cỏ khác không mọc được. Cho nên, chống tham nhũng là quá trình dài" - ông Giám chia sẻ.

Thanh tra chọn lọc

Vậy chống tham nhũng, nhũng nhiễu DN phải bắt đầu bằng cách nào?

Theo ông Đào Huy Giám, việc thanh - kiểm tra phải được thực hiện trên nguyên tắc "chọn lọc" bởi bản thân mỗi DN bị thanh tra một lần/năm vẫn là quá nhiều. "Mỗi DN có đặc điểm, có sự nghiêm túc, chấp hành pháp luật khác nhau. Thủ tướng yêu cầu chỉ trừ trường hợp đặc biệt, còn DN bình thường không được thanh tra quá một lần/năm là chỉ đạo tích cực. Nhưng so sánh với những nước như Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp… thì thấy ở họ có những DN đến tận hơn 10 năm không bị thanh tra" - ông Giám nêu.

Do vậy, theo ông Giám, có thể học hỏi cách kiểm soát DN tại những nước nói trên. Chẳng hạn tại Hà Lan, đất nước với 2 triệu DN, nhà điều hành đã dựa trên những dấu hiệu phát sinh từ cơ quan thuế để phát hiện DN nào trốn thuế, báo lãi hoặc lỗ đột ngột… để tiến hành thanh tra ở những điểm đó. Các DN khác được loại trừ và có thể yên ổn làm ăn trong nhiều năm.

Đóng góp một góc nhìn khác, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng mấu chốt không nằm ở việc nhiều hay ít đoàn thanh tra mà ở cung cách thanh tra. "Thanh tra hơn một đoàn/năm cũng không sao nếu như thanh tra đúng đối tượng và cần thiết phải thanh tra. Ở đây đang có chuyện vòi vĩnh, nhũng nhiễu, không hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho DN chấp hành đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh mà lại săm soi, tìm cách kiếm chác" - ông Đức nhìn nhận.

Dẫn chứng, ông kể gần đây công ty luật của ông có giải quyết vụ việc khách hàng là một DN xây dựng bị Sở Kế hoạch và Đầu tư của một địa phương vào thanh tra rất vô lý. Kết luận thanh tra chủ yếu đi vào bắt bẻ những thứ sai sót rất vụn vặt như trình tự thủ tục, họp hành… của DN mà những vấn đề này không ảnh hưởng đến an toàn tài chính hay sự hoạt động bình thường của DN. Thậm chí, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn "đòi" cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra trong khi không có bất cứ chứng cứ gì liên quan đến vi phạm pháp luật hình sự. 

Bà N.T.L, chủ một DN chế biến thực phẩm:

Khó làm đúng nên sợ bị kiểm tra

DN trong ngành rất dễ rơi vào tình huống hễ bị kiểm tra là có vi phạm dù đầu tư lớn hay công nghệ hiện đại cỡ nào. Nguyên nhân là các quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam tuy nói là cập nhật theo Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế) nhưng dịch không chuẩn, DN rất khó làm theo. Ví dụ với mặt hàng chả lụa, làm theo cách ông bà ta xưa là heo vừa mổ xong thì lấy phần nạc còn nóng để giã làm ngay. Lúc này, không cần dùng phụ gia thì miếng chả lụa vẫn giòn, dai nhờ lượng phosphate nội sinh. Nhưng ngày nay, thịt đến nhà máy chế biến thông thường đã hơn 10 giờ sau giết mổ nên bị mất phosphate có sẵn trong thịt nên khi làm theo cách cũ sẽ không ra miếng chả lụa. Vì vậy, trong công nghệ chế biến thực phẩm dùng phụ gia polyphosphate làm chất hỗ trợ chế biến để bù phosphate bị hụt.

Trong khi thế giới cho phép dùng polyphosphate thì Việt Nam lại không cho nên DN rất vất vả trong việc tìm kiếm chất hỗ trợ chế biến khác thay thế. Nhìn chung, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm của Việt Nam còn mang tính "bắt bẻ" DN mà không quan tâm vấn đề công nghệ hay vì mục đích an toàn thực phẩm thực sự. Chưa hết, khi sự việc chưa rõ ràng, một số đoàn kiểm tra đã công bố thông tin khiến thị trường tẩy chay, DN điêu đứng dù theo tiêu chuẩn quốc tế thì đạt yêu cầu.

Một chuyên gia Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam:

Cấm nhận bồi dưỡng, sẽ giảm chuyện thanh tra

Tôi đã từng làm chủ DN. Có thời kỳ, chúng tôi tiếp các đoàn thanh tra và thanh tra kết hợp với số lượng 36 đoàn/năm. Thậm chí, DN có 3 phòng cho khách thì 1 phòng trong suốt 8 tháng liền chỉ dành riêng cho thanh tra ngồi. Tất nhiên, tuy chúng tôi là DN có uy tín nhưng tại Việt Nam, không tránh được cái "lệ" là mỗi người trong đoàn thanh tra đều có khoản tiền "ăn trưa" với mức khác nhau tùy theo từng DN. Đó chính là khoản tiền tham nhũng. Chính phủ cần cấm thành viên đoàn thanh tra nhận các khoản tiền ăn trưa, ăn sáng hay bồi dưỡng dưới mọi hình thức. Nếu làm được thì "cái thú" đi kiểm tra, thanh tra cũng giảm rất nhiều.

Thực tế là kể cả những người cung cấp dịch vụ công và tư phục vụ chúng ta một cách công minh, ít thủ tục thì vẫn có lệ "miếng trầu là đầu câu chuyện", nhiều ít gọi là cảm ơn nhau. Tôi biết có những người hoạt động trong lĩnh vực thanh tra, chỉ cần như thế thôi thì họ đã có thể sống dư dả rồi. Cũng bởi lẽ DN coi đó là phần phí tự nguyện để duy trì một quan hệ tốt.

Luật sư Trương Thanh Đức:

Tránh hô hào chung chung

Thanh - kiểm tra cần phải đi vào thực chất thay vì hô hào chung chung. Thanh tra, kiểm tra là công tác bắt buộc. Nếu không thanh tra, kiểm tra thì tức là buông công cụ quản lý nhà nước. Do đó, trong cách làm cần chấn chỉnh, yêu cầu các cơ quan thực hiện chức năng thanh- kiểm tra phải làm đúng luật, nếu kết luận sai phải chịu trách nhiệm và bồi thường.

Có DN bức xúc nhưng không phản ứng, thậm chí phải chiều thanh tra, mềm mỏng hết sức, hài hòa cho được việc. Nếu chống lại cũng chỉ gặp tai họa nên nhiều khi họ chỉ đi "kêu gào" chung chung thôi. Thay vào đó, DN cần phải biết bảo vệ mình.

V.Ngọc - Ph.Nhung ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN