Doanh nghiệp 2014: Mong mã đáo thành công

Nhiều doanh nghiệp nói rằng, năm 2014 được xác định vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cơ hội kinh doanh đã sáng hơn rất nhiều so với năm trước đó. Doanh nghiệp sẽ thành công nếu nắm bắt được nhu cầu thị trường và có chiến lược đúng.

Kinh tế sẽ tốt hơn

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn, cho rằng, kinh tế năm 2014 sẽ có bước khởi sắc trở lại và đến năm 2015 sẽ được cải thiện hơn. “Hiện còn nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, tuy nhiên, tôi tin con số này sẽ giảm trong năm nay. Các DN khỏe tiếp tục sống tốt. Thực tế, sau một thời gian khó khăn, các DN đã tự tái cơ cấu, tự len lỏi để tìm lối đi cho mình trong bối cảnh hội nhập. Cùng đó, lực hấp dẫn sẽ thu hút một nguồn lực lớn từ nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta”- ông Đoàn nói.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, vấn đề lâu nay DN Việt Nam cũng như nước ngoài kêu nhiều là tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, cải cách hành chính và năng lực cán bộ công chức còn hạn chế. Nếu những vấn đề trên được cải thiện, các DN có điều kiện để phát triển thêm. “Năm 2014, Phú Thái sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, mở rộng hệ thống phân phối và mạng lưới bán lẻ toàn quốc, đặt mục tiêu tăng trưởng 25-30%”, ông Đoàn cho biết.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cũng tin tưởng kinh tế năm nay đang tốt dần lên dù năm 2013, do kinh tế suy thoái, nên nhu cầu xã hội hơi đuối. Tuy nhiên, việc lạm phát được kìm giữ, lãi suất ở mức thấp, tỷ giá tiền đồng cũng được giữ mức cân bằng… là tín hiệu tốt để các DN đầu tư mở rộng kinh doanh.

Doanh nghiệp 2014: Mong mã đáo thành công - 1

Nhiều doanh nghiệp nhận định, kinh tế 2014 còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phục hồi, phát triển. Ảnh: Như Ý

Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, năm 2014, tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng 5-7%, trong đó tập trung là sản xuất công nghiệp, chủ lực là sắt thép. “Chúng tôi dự kiến thị trường sản phẩm công nghiệp trong đó có sắt thép tăng từ 3-5%, nên chúng tôi để mức tăng trưởng vừa phải. Đó cũng là tín hiệu tốt dù chưa mạnh mẽ, hy vọng đến 2015, 2016 sẽ tăng mạnh hơn, miễn là năm 2014 xử lý tốt”, ông Dương cho biết.

Đánh giá năm 2014 là năm có nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn, rủi ro, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo cho rằng, vấn đề của năm nay nằm ở tự thân DN. Theo ông Phương, năm 2014, kể cả có tăng trưởng kinh tế 5,8% như dự báo của Chính phủ thì hoạt động của nền kinh tế cũng chỉ mới ở mức nhúc nhích chứ chưa thể phát triển mạnh được.

“Nợ xấu vẫn còn đó và khó khăn của DN vẫn còn tồn tại rất nhiều. Khả năng tài chính và nguồn vốn hạn chế, chất lượng nhân lực thấp, kỹ năng, năng lực quản trị kinh doanh yếu kém, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ và chưa đến được DN, khó tiếp cận các nguồn lực sản xuất, trình độ công nghệ thấp, khả năng cạnh tranh yếu... là những thách thức mà các DN vừa và nhỏ sẽ còn phải đối diện trong năm 2014. Ngoài thị trường trong nước, Kangaroo sẽ tập trung vào thị trường Philippines, Indonesia, Úc… sẽ được chúng tôi khai thác triệt để. Dự kiến, chúng tôi sẽ tăng trưởng 180% so với cùng kỳ”, ông Phương nói.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo, việc chậm cải cách DN nhà nước, các quy định thủ tục rườm rà... là bước cản lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây sẽ là những vấn đề cần tập trung giải quyết trong năm 2014. “Chính khu vực DN nhà nước - nơi chiếm hơn 40% toàn bộ nền kinh tế chưa thấy sự cải thiện đáng kể, hoạt động kém hiệu quả, trong khi được ưu đãi nhiều hơn trong việc vay vốn, tiếp cận đất đai, sẽ ảnh hưởng cạnh tranh lành mạnh tới các doanh nghiệp nói chung”, ông Phương nói.

“Nợ xấu vẫn còn đó và khó khăn của DN vẫn còn tồn tại rất nhiều. Khả năng tài chính và nguồn vốn hạn chế, chất lượng nhân lực thấp, kỹ năng, năng lực quản trị kinh doanh yếu kém, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ và chưa đến được DN, khó tiếp cận các nguồn lực sản xuất, trình độ công nghệ thấp, khả năng cạnh tranh yếu... là những thách thức mà các DN vừa và nhỏ sẽ còn phải đối diện trong năm 2014.

Ông Nguyễn Thành Phương,
Tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, năm 2013 trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đạt được doanh thu thuần lên tới hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,2% so cùng kỳ 2012, tương đương hơn 1,5 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 của Vinamilk đạt 7.946,7 tỷ đồng, tăng 15,4%. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.472 tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2012. Đây là nỗ lực rất lớn của công ty trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

“Dự báo năm nay sẽ là năm nền kinh tế sẽ tiếp tục vẫn còn nhiều khó khăn. Để tiếp tục giữ vững vị thế và đạt được những mục tiêu đề ra, dự kiến từ năm 2014 đến 2016 Vinamilk sẽ tiếp tục chi thêm hơn 2.000 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất để tiến tới mục tiêu trở thành một trong 50 công ty sữa hàng đầu thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017”, bà Hương cho biết.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, năm 2013, công ty đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 270 tỷ đồng, lợi nhuận vượt 10%. Các chỉ số phát triển đều giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân so với năm 2012. Điều quan trọng nhất là năm qua công ty giữ được công ăn việc làm cho hơn 3.800 cán bộ công nhân viên với mức thu nhập bình quân 7,8 triệu/người/tháng, không ai bị nghỉ vì mất việc, không có việc.

“Để có được sự phát triển trong năm 2014, các doanh nghiệp, trong đó có Vissan phải tái cấu trúc hoạt động của mình, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực mới, trẻ với tri thức và nhiệt huyết. Cùng đó tái cấu trúc kênh phân phối, chuyển đổi quản trị hiện đại vào quản lý đồng thời nắm bắt được nhu cầu của thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu”, ông Mười cho biết.

Bất động sản khả quan hơn

Việc thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng kéo dài trong năm 2013 khiến không ít doanh nghiệp trong ngành chật vật để tồn tại. Còn theo số liệu của Bộ Xây dựng, tổng giá trị tồn kho bất động sản (BĐS) cả nước năm 2013 vào gần 4,5 tỷ USD, chủ yếu ở phân khúc trung và cao cấp, sẽ là áp lực đối với không ít các doanh nghiệp trong ngành này trong năm 2014.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Nam Long (TPHCM) cho rằng, năm qua với nhiều thông tin không tốt về tài chính, uy tín chủ đầu tư… khiến khách hàng thiếu tin tưởng vào thị trường; thị trường BĐS chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài; tồn kho BĐS, nợ xấu khiến việc huy động vốn khó khăn… Tuy vậy, khó khăn và cơ hội luôn song hành với nhau. “Phải hành động để tạo cơ hội cho mình, không nên ngồi than vãn và chờ thị trường tốt trở lại”, ông Trân nói.

Ông Trân nhận định, năm 2014, thị trường BĐS sẽ khởi sắc hơn, đặc biệt phân khúc nhà giá thấp. “Nhà giá trung bình thấp (giá dưới 15 triệu đồng/m2) vẫn tiếp tục hút khách. Sẽ là phân khúc chủ đạo của thị trường, vì phù hợp với thu nhập đại đa số người lao động hiện nay”, ông Trân nói.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, năm 2014 dự báo thị trường BĐS sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các dự án hạng trung và cao cấp tại Hà Nội dự báo sẽ giao dịch sôi động hơn do giá cả nhiều dự án đã ở mức rất hợp lý. Còn các dự án thu nhập thấp, dự báo, cũng có sự thay đổi nhưng không thể tăng đột biến dù nhu cầu rất nhiều. 

“Điểm yếu đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp là hạ tầng và vị trí quá xa. Vì vậy, dù mức giá rẻ nhưng không phải là lựa chọn tốt đối với phần lớn người có nhu cầu. Trong khi đó, đến thời điểm này, giá nhiều dự án ở các quận nội thành chỉ ở mức khoảng 20 triệu đồng/m2. Đây là mức giá nhiều người có nhu cầu chấp nhận được”, ông Quyết nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh - Phạm Tuyên - Phạm Thanh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN