Đàm phán TPP chưa xong, cổ phiếu hết "ăn theo"

Kỳ vọng tin tốt từ khả năng sớm kết thúc đàm phán TPP khiến thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm. Tuy nhiên, sự mong manh của thị trường đã được phản ánh rõ qua đợt sụt giảm rớt đài của các cổ phiếu khi đàm phán TPP chưa đi đến hồi kết. Dẫu vậy, sự an ủi lớn đến từ việc khối ngoại mua ròng.

Cổ phiếu ăn theo

Thị trường đã trải qua một đợt tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm đến nay. Có thời điểm VN-Index đã chạm mốc hơn 640 điểm, lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn này không ít chuyên gia và công ty chứng khoán đã có những nhận định khá lạc quan về thị trường chứng khoán. Nguyên nhân khiến thị trường tăng trưởng mạnh là do giới đầu tư kỳ vọng hiệp định TPP sẽ sớm được thông qua thì kinh tế Việt Nam sẽ có bước chuyển mình và tăng trưởng cao, thị trường chứng khoán sẽ đi lên.

Đàm phán TPP chưa xong, cổ phiếu hết "ăn theo" - 1

Nhà đầu tư trên sàn cũng theo trào lưu TPP. Ảnh: Như Ý.

Các cổ phiếu “ăn theo” TPP và dẫn dắt thị trường trong giai đoạn vừa qua có thể kể đến bao gồm: cổ phiếu ngành bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản và một số cổ phiếu hết room đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử: Cổ phiếu VCB của Vietcombank đã tăng từ mức khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất gần 51.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng khác là BIDV, CTG, ACB, MBB có mức tăng đầy ấn tượng. Điều này cho thấy câu chuyện TPP có sức ảnh hưởng đến cổ phiếu tất cả các ngành, đặc biệt là những cổ phiếu lớn chứ không riêng gì những ngành được hưởng lợi trực tiếp.

Sự ăn theo còn thể hiện tại một loạt các cổ phiếu khác như: BVH với giá cổ phiếu đạt đỉnh 66.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/7 vừa qua, mức cao gấp đôi so với đầu năm. (Việc biến động của giá cổ phiếu doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất Việt Nam này khá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư). Một số cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như VNM, MSN cũng tăng mạnh và góp phần kéo chỉ số VN-Index tăng mạnh.

Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ sự “mong manh” của thị trường đã được chứng minh phần nào qua đợt sụt giảm khi có kết quả đàm phán TPP ở phút chót. Sắc đỏ đã bao trùm toàn thị trường trong những ngày đầu tháng 8 và VN-Index mất gần 5% trong 4 phiên giao dịch. Những cổ phiếu dẫn dắt thị trường trước đó như VCB, BVH, BID… mấy ngày nay đang liên tục giảm mạnh. Thanh khoản trên thị trường chứng khoán cũng đồng thời giảm theo chưa kể  khối ngoại liên tục bán ròng nhẹ.

Lao dốc vì TPP

Vòng đàm phán cuối cùng để đi đến ký hiệp định TPP đã thất bại như là giọt nước làm tràn ly đánh tụt sự hưng phấn của thị trường. Bởi đơn giản, đi kèm bao nhiêu kỳ vọng về tương lai của nền kinh tế, một số ngành sẽ phải đợi 1 hoặc 2 năm nữa mới có thể đạt được. Tuy nhiên, trên thực tế dù hiệp định TPP có được ký kết cũng không phải hoàn toàn có lợi cho tất cả những doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh kém có thể chịu thiệt hại và môi trường kinh doanh có thể trở nên khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, đây chính là một cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phải tự hoàn thiện mình và buộc phải hiệu quả hơn khi tham gia các luật chơi chung. Dù vậy, vốn nhạy cảm với thông tin nên thị trường đã lao dốc khi “điểm tựa” TPP tan biến.

Theo nhận định của các chuyên gia từ Công ty chứng khoán HSC, đàm phán TPP giống như chạy đường dài, trong đó vận động viên chạy có thể sẽ phải chạy thêm một chặng đường nhất định trước khi cán đích sau khi đã chạy được một quãng đường dài. Nếu nhìn vào động lực đằng sau TPP và tiến triển đạt được cho đến nay, HSC cho rằng TPP sẽ sớm đạt được thỏa thuận và thị trường sẽ ổn định trở lại.

Cũng cần lưu ý thị trường thời gian qua, ngoài sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước, còn một yếu tố quan trọng khiến chứng khoán khởi sắc là dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê cho thấy kể từ đầu năm đến nay nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 5.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt kể từ tháng 4 đến tháng 7 vừa qua khối ngoại đã mua ròng rất mạnh. Nguyên nhân khối ngoại đổ tiền vào Việt Nam được cho là do nhưng bất ổn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và kỳ vọng vào những cơ hội đầu tư tại Việt Nam sau khi Chính phủ có những chính sách mở hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh này, hy vọng đây là tin tốt!

Trong lúc thị trường hưng phấn, đã có nhiều cảnh báo về mức độ “nóng” của TTCK Việt Nam. Đặc biệt, khi nước láng giềng Trung Quốc đang phải chứng kiến một cuộc tháo chạy chưa từng có. Nhiều lo ngại sự phục hồi của thị trường đang tồn tại những yếu tố kém bền vững.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Lam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN