Đại gia Thái Lan đã mua Nguyễn Kim

Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim vừa bán lại 49% cổ phần cho tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group.

Trước đây người ta bán tín bán nghi việc có hay không một công ty nước ngoài đã mua Siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Mới đây, không nghi ngờ gì nữa khi Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim vừa bán lại 49% cổ phần cho tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group. Điều này đánh dấu bước mở đầu cho sự đổ bộ của doanh nghiệp (DN) ngoại lĩnh vực điện máy ồ ạt vào Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng Central Group khó đột phá để chiếm lĩnh thị trường điện máy như ngành hàng tiêu dùng, nhưng do tính cạnh tranh cao mà người tiêu dùng (NTD) sẽ được hưởng lợi.

Khó thoát xu hướng mua bán, sáp nhập

Ông Nguyễn Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Nam Hòa, chủ sở hữu hệ thống Trung tâm Điện máy và nội thất Thiên Hòa, cho biết ngành bán lẻ năm qua nói chung sức mua giảm.

Theo ông Hòa, xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) là cơ hội để DN được chia sẻ để có thể cạnh tranh tốt. Năm 2015 thị trường mở cửa nên sẽ có nhiều áp lực cho các nhà bán lẻ. Hiện có một quỹ đầu tư Mỹ đang nhòm ngó Thiên Hòa nhưng thời điểm giao dịch mới là quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thế giới di động và chuỗi dienmay.com, cho biết đối với ngành bán lẻ công nghệ cao, trên thực tế chưa có DN bán lẻ điện máy quốc tế nào thành công ở khu vực châu Á. Ngay như Indonesia thu hút nhà đầu tư nước ngoài khá thoải mái nhưng bao năm nay chưa thấy thương hiệu nào thành công. Vì thế không nên lo lắng lắm khi các DN bán lẻ ngoại “đổ bộ” vào ngành này.

Đại gia Thái Lan đã mua Nguyễn Kim - 1

Khi nhà bán lẻ Thái Lan hợp tác với Nguyễn Kim, nếu nâng cao chất lượng dịch vụ chắc chắn NTD sẽ hưởng lợi. Trong ảnh: Trung tâm Bảo hành Nguyễn Kim tại 6 Bis Trần Hưng Đạo, quận 1 (TP.HCM). Ảnh: TÚ UYÊN

Ông Trương Văn Quý, Giám đốc Trường Đào tạo EQVN, nhận xét thị trường điện máy trong vài năm trở lại đây không phản ánh hết toàn cục, một phần do cạnh tranh, một phần bão hòa ở một số ngành hàng nên nhìn có vẻ trầm lắng. Nhưng năm 2014 thị trường có tín hiệu phục hồi, riêng điện thoại di động tiêu thụ hơn 14 triệu chiếc… Nguyễn Kim bao gồm hệ thống phân phối rộng khắp, tất cả mặt hàng điện thoại di động, gia dụng, điện tử… Vì vậy DN Thái Lan khi hợp tác với Nguyễn Kim họ đánh giá tiềm năng, giá trị trong tương lai.

Hiện nay có một số DN đang chờ được mua lại hoặc liên doanh. Tình hình này có phản ánh “sức khỏe” DN không còn hay là xu hướng phải chấp nhận để tồn tại? Ông Quý cho rằng bản thân DN muốn tồn tại đều phải có yếu tố nước ngoài, với hệ thống quản lý chuyên nghiệp giúp DN mạnh hơn, có lợi hơn.

Phía Nguyễn Kim vẫn chưa tiết lộ những thông tin liên quan đến việc sáp nhập, hợp tác này.

Người tiêu dùng sẽ được lợi

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng phân tích DN Việt sẽ hưởng nhiều cái lợi từ đối tác ngoại như kinh nghiệm quản lý trên quy mô lớn, khả năng tài chính vững vàng, tầm nhìn chiến lược… Còn DN ngoại cũng sẽ có lợi thế là nhờ DN bản địa đã có sẵn thương hiệu, được thị trường nhận biết từ trước. Từ đó DN Việt cũng sẽ có những kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản hơn, cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt hơn nên NTD sẽ hưởng lợi.

Theo ông Trương Văn Quý, đối với Nguyễn Kim đây là cơ hội tốt khi có nhà đầu tư ngoại vào, DN sẽ phát triển mạnh, có nguồn tài chính lớn. Tuy vậy, nhìn xa hơn là nguy cơ đối với các DN khác khi hội nhập vì năng lực cạnh tranh còn yếu. Nhưng DN nội sẽ cọ xát để có kinh nghiệm và mạnh dần lên để cùng tồn tại.

Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny của Canada khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phân tích những thương vụ như thế không ảnh hưởng gì đến thị trường Việt Nam. Tất cả DN đều đơn thuần là thương mại, họ nhập hàng hoặc đặt hàng sản xuất ở một số nước (như Trung Quốc) về bán. Nếu người Thái đưa về những dịch vụ tốt hơn, DN trong nước bị áp lực và phải tự nâng cấp mình lên để cạnh tranh cũng là điều tốt.

Liệu có xuất hiện hàng Thái?

Ông Robert Trần cho rằng hàng tiêu dùng thì Thái Lan có thể thắng thế nhưng hàng điện máy thì không vì người Việt chỉ chọn thương hiệu để mua.

Ông Quý giải thích thêm mặc dù 51% cổ phần còn lại do Nguyễn Kim nắm nhưng 49% đã nằm trong tay tập đoàn bán lẻ Thái Lan nên có thể thấy rõ họ sẽ nắm quyền chi phối, có khả năng điều hành theo hướng của họ. Bên cạnh đó, khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, triển vọng di chuyển của thị trường lao động, dịch vụ… giữa các nước dễ dàng. Khi Thái Lan đã nắm được hệ thống phân phối của Nguyễn Kim, họ không chỉ bán những sản phẩm sẵn có mà sẽ tận dụng để đưa hàng hóa vào.

Cùng ý kiến trên, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho biết khi đối tác nước ngoài liên doanh với DN Việt, họ sẽ đưa những sản phẩm từ quốc gia của họ đến thị trường mới. Trong trường hợp này, nhiều khả năng sẽ có sự xuất hiện của những thương hiệu điện máy Thái Lan trên hệ thống Nguyễn Kim. Tuy nhiên, bất kỳ thương hiệu liên doanh nào cũng hướng tới mục tiêu là đáp ứng thật tốt nhu cầu NTD. Và đó sẽ là bài toán mà DN liên doanh ngoại quốc phải cân bằng giữa những sản phẩm từ quốc gia của họ với những sản phẩm NTD bản địa thực sự có nhu cầu lớn.

Một số chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng cho rằng sự thành công của việc liên doanh sẽ phụ thuộc vào thói quen mua sắm của NTD tại các siêu thị điện máy, sản phẩm có đáp ứng nhu cầu của NTD hay không.

 

Doanh nghiệp nhỏ vẫn sống tốt

Thị trường hàng no name - không có thương hiệu (là hàng thật, có nguồn gốc rõ ràng) tập trung chính vào nhóm người lao động có thu nhập thấp đến trung bình. Những sản phẩm điện tử gia dụng không có thương hiệu lại có doanh thu gấp 10 lần những sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản… Có những DN sống khỏe khi chỉ kinh doanh hàng no name, cho dù những ông lớn như Samsung, Sony, Toshiba tồn tại ở Việt Nam lâu đời.

Ông ROBERT TRẦN,̉ng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny của Canada khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Thương hiệu Nguyễn Kim không có gì thay đổi. Central Group chọn đối tác Nguyễn Kim vì đây là thương hiệu bán lẻ điện máy hàng đầu ở Việt Nam. Việc bổ nhiệm đương kim tổng giám đốc điều hành Central Group trở thành tổng giám đốc điều hành Nguyễn Kim sẽ giúp ban điều hành Nguyễn Kim nâng cao chuyên môn và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện máy. Đồng thời tạo điều kiện cho những bước phát triển của Nguyễn Kim và Central Group tại thị trường Việt Nam cũng như trong khu vực.

Đại diện Central Group

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN