Chứng khoán Việt Nam đạt kỷ lục

Hôm nay, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt kỷ lục từ trước đến nay.

Kỷ lục từ đầu năm đến nay

Hôm nay, thị trường điều chỉnh mạnh sau chuỗi ngày tăng không biết mệt mỏi. Mở cửa phiên, Vn-Index lừng khừng, giao dịch quanh mốc tham chiếu rồi nhanh chóng bứt phá. Tuy nhiên, một số cổ phiếu trụ cột của thị trường như GAS, BID, VCB có diễn biến lạc quan nên tâm lý lo lắng của nhà đầu tư được tháo gỡ. Vn-Index tăng điểm khá mạnh.

Thế nhưng, chỉ sau 2 tiếng mua bán, thị trường bất ngờ đảo chiều nhanh chóng. Lực bán với lệnh bán cao ngất ngưởng chen nhau xuất hiện khiến màu đỏ áp đảo trên bảng giao dịch điện tử. Áp lực xả hàng ngày càng nhiều.

Kết quả là Vn-Index chỉ có được đợt 1 tăng 1,52 điểm. Hai đợt còn lại, VN-Index lao dốc. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2, VN-Index giảm 7,08 điểm, tương ứng 1,22% và dừng ở mức 571,04 điểm. 

Tuy nhiên, điểm nhấn của thị trường không phải là VN-Index giảm mạnh mà chính là thanh khoản trên cả 2 sàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, mức cao nhất của mọi thời đại. Từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa, chưa bao giờ giao dịch lại sôi động đến vậy.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 259.679.130 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 4.031,64tỷ đồng. Giá trị giao dịch tăng 1.479,69 tỷ đồng, tương ứng 58%. Đây là con số kỷ lục của năm 2014. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 5.311.900 cổ phiếu, tương ứng 183,85 tỷ đồng. Toàn sàn có 49 mã tăng giá, 31 mã đứng giá và 214 mã giảm giá.

ITA có khối lượng giao dịch nhiều nhất khi có tới 16.856.900 triệu cổ phiếu được trao tay. Hôm nay, ITA giảm 400 đồng/CP xuống 7.500 đồng/CP.

VN30-Index lao dốc với tốc độ lớn hơn VN-Index. Chốt phiên giao dịch ngày 20/2, VN30-Index giảm 11,73 điểm, tương ứng 1,8% và dừng ở mức 638,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 88.718.350 cổ phiếu, tương ứng 1.977,22 tỷ đồng. Trong nhóm có 3 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 23 mã giảm giá.

Trong 3 blue-chip hiếm hoi tăng giá, có tới 2 mã thuộc ngành ngân hàng. Đó là CTG tăng 200 đồng/CP lên 16.900 đồng/CP, EIB tăng 100 đồng/CP lên 13.300 đồng/CP. Mã còn lại là MSN. Sau nhiều phiên giảm giá, MSN tăng 500 đồng/CP lên 94.500 đồng/CP.

Sàn Hà Nội thậm chí còn bi quan hơn sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết thúc phiên giao dịch 20/2, HNX-Index giảm 2,81 điểm, tương ứng 3,42% và đóng cửa ở mức 79,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 148.780.034 cổ phiếu, tương ứng 1.448,6 3 tỷ đồng, tăng mạnh so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 1.060.127 cổ phiếu, tương ứng 9,51 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 66 mã tăng giá, 40 mã đứng giá và 205 mã giảm giá.

HXN30-Index giảm mạnh mẽ. Đóng cửa phiên 20/2, HNX30-Index giảm 8,3 điểm, tương ứng 4,97% và đóng cửa ở mức 158,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 85.047.700 cổ phiếu, tương ứng 1.030,92 tỷ đồng Trong nhóm có 1 mã tăng giá, 3 mã đứng giá và 26 mã giảm giá.

Vn-Index giảm, khối ngoại tăng mua

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước có rất nhiều điểm khác điểm. Trong khi, nhà đầu tư trong nước thường xuyên mua đuổi ở những phiên tăng nóng thì khối ngoại rất ít khi để điều này xảy ra. 

Trong những phiên giao dịch gần đây, khi VN-Index tăng mạnh, nhà đầu tư trong nước ồ ạt mua vào đẩy thanh khoản trên 2 sàn luôn vượt mức cao 3.000 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại luôn hạn chế mua vào và giao dịch rất cầm chừng. Mặc dù có thời điểm lượng mua vào nhiều hơn bán ra nhưng chênh lệch không lớn.

Ngày hôm qua, 19/2, VN-Index tăng 3,56 điểm, khối ngoại mua vào 6.787.910 đơn vị, tương ứng 244,35 tỷ đồng. Lượng bán ra đạt 5.668.280 đơn vị, tương ứng 195,61 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại mua ròng 1.119.630 đơn vị, tương ứng 48,74 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng nhưng khối lượng mua vào không cao. DIG là cổ phiếu được khối ngoại gom nhiều nhất với khối lượng khiêm tốn, chỉ 692.570 đơn vị. 

Hôm nay, cùng với sự leo dốc của thanh khoản, khối ngoại cũng mạnh tay giải ngân. Khối lượng mua vào đạt 13.522.270 đơn vị, tương ứng 347,3 tỷ đồng. Lượng bán ra đạt 7.972.040 đơn vị, tương ứng 188,6 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng mua ròng là 5.550.230 đơn vị, tương ứng 158,7 tỷ đồng.

Trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cổ phiếu trở nên rất hấp dẫn với nhà đầu tư. Có 3 mã được khối ngoại mua vào với khối lượng lên tới cả triệu đơn vị. Đó là DIG (1.793.860 đơn vị), IJC (1.221.400 đơn vị), KBC đứng đầu danh sách với 2.646.430 đơn vị.

Thời gian gần đây, nhờ động thái gom vào của khối ngoại, KBC tăng đáng kể, tăng hơn 30%. Tuy nhiên hôm nay, dù sự hỗ trợ này vẫn mạnh mẽ, KBC cũng khó cưỡng lại được đà suy giảm mạnh của thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN