Chứng khoán dễ rủi ro trong ngắn hạn

Sau nhiều phiên tăng nóng, nhà đầu tư bắt đầu chốt lời, thị trường chứng khoán có thể có điều chỉnh theo hướng bất lợi

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (ngày 8-7), cả hai chỉ số chứng khoán có dấu hiệu điều chỉnh, giảm nhẹ. Mất 2,44 điểm, VN-Index còn 658,68 điểm khi đóng cửa; HNX-Index giảm 0,59 điểm, còn 87,57 điểm. Một số nhà đầu tư đã đứng ngoài đợt sóng này đang mong đợi thị trường giảm sâu hơn để mua vào trong khi một số nhà đầu tư đã mua bắt đầu chốt lời. Nếu tỉ trọng giao dịch thiên về bán nhiều hơn, tuần tới, thị trường có thể giảm nhưng sẽ không quá sâu.

Vượt đỉnh 8 năm

Trong phiên giao dịch trước đó, khi VN-Index vượt qua 650 điểm, mức cao nhất cách đây 8 năm cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư hưng phấn sau một thời gian dài thị trường “ngủ đông”.

Chứng khoán dễ rủi ro trong ngắn hạn - 1

Thị trường chứng khoán khởi sắc trong thời gian gần đây

Theo thống kê của 2 sở giao dịch, trong quý II/2016, thị trường chứng khoán khởi sắc hơn so với quý trước đó. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 6, VN-Index vươn lên 632,3 điểm, tăng 12,7% so với cuối quý I. Nếu tính luôn tuần đầu của tháng 7 khi tăng lên 657,95 điểm, VN-Index đã tăng đến hơn 13%. HNX-Index cũng tăng gần 8%, lên 87,57 điểm. Không chỉ điểm số, thanh khoản trong quý II cũng tiếp tục tăng tốt. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đạt hơn 179.860 tỉ đồng (tăng 14,2% so với quý I/2016), tương ứng khối lượng giao dịch đạt hơn 10,8 tỉ cổ phiếu (tăng 2% so với quý trước).

Riêng tại HoSE, VN-Index 6 tháng đầu năm 2016 tăng gần 10%, trong đó, quý II tăng đến 12,66%. Đặc biệt, chỉ số VNSmallcap (cổ phiếu vốn hóa nhỏ) tăng 14,54% trong quý II và tăng đến 21,22% trong 6 tháng đầu năm. Thống kê của HoSE còn cho thấy chăm sóc sức khỏe là nhóm ngành tăng trưởng mạnh nhất với gần 45% trong 6 tháng đầu năm nay. Tiếp đó là ngành hàng tiêu dùng, tăng 39,85% trong quý và tăng 34,59% từ đầu năm. Trong khi đó, ngành tài chính lại giảm gần 3% so đầu năm.

Giao dịch mạnh

Trong phiên giao dịch cuối tuần này, tổng khối lượng và giá trị giao dịch cả hai sàn tăng nhẹ so với phiên trước, lên gần 4.300 tỉ đồng. Đây là mức khá cao so với giao dịch trung bình của quý II. Điều này cho thấy dù điều chỉnh nhưng nhà đầu tư vẫn giao dịch mạnh.

Theo chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh, vài phiên gần đây, thị trường tăng khá nóng. Nhiều người, nhất là những người chưa mua được hoặc mua nhầm những cổ phiếu không tăng giá, đã bất ngờ. Tuy nhiên, với những yếu tố tích cực như thanh khoản duy trì ở mức cao, khối ngoại không bán ròng, kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường kinh tế thế giới vẫn duy trì tích cực thì thị trường chứng khoán nếu có giảm cũng khó giảm sâu.

Theo ông Khánh, 620 điểm của VN-Index được đánh giá là mốc quan trọng. Đợt tăng điểm vừa qua được đánh giá là phù hợp với tình hình của thị trường, dù không có tin nào quá tốt và ngoài vụ Brexit (Anh) cũng không có tin nào quá xấu. Cùng các mã blue chips tăng tốt, giá dầu cải thiện đã giúp cổ phiếu ngành dầu khí khởi sắc, kéo thị trường lên. Các cổ phiếu ngân hàng cũng được hưởng lợi nhờ chính sách tháo gỡ, lãi suất tăng được nhận định là cải thiện lợi nhuận cho các ngân hàng. Ngoài ra, thị trường địa ốc cải thiện, doanh nghiệp bất động sản đạt lợi nhuận khá. “Các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ liên tục đưa ra các chính sách kích cầu kỳ vọng sẽ có nhiều tích cực cho nền kinh tế” - ông Khánh nhận định.

Không nên dùng đòn bẩy tài chính

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, cho rằng thị trường đã bước qua giai đoạn tăng trung hạn nhưng do chỉ số tăng nhanh quá buộc phải điều chỉnh. Vì thế, rủi ro ngắn hạn trong giai đoạn này tăng lên, nhà đầu tư cần thận trọng, tránh “đu” theo mua bằng được cổ phiếu, đặc biệt càng không nên sử dụng đòn bẩy tài chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN