Chủ tịch Vinaconex xin lỗi vì lỡ lỗ 619 tỷ

Chủ tịch Vinaconex Nguyễn Thành Phương xin lỗi cổ đông khi ôm mộng quá lớn, đặt mục tiêu lãi 72 tỷ đồng năm 2012 nhưng lại lỗ đến hơn 619 tỷ đồng.

Trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam- Vinaconex (VCG) sáng 25/4, Chủ tịch Vinaconex Nguyễn Thành Phương đã chính thức lên tiếng xin lỗi về khoản lỗ 619 tỷ đồng.

“Chúng ta đặt kỳ vọng quá lớn. Thay mặt HĐQT, tôi xin lỗi vì đặt mục tiêu kinh doanh quá cao nhưng lại chưa thực hiện được. HĐQT đã tổ chức 15 cuộc họp đình kỳ và đột xuất để rà soát kết quả kinh doanh nhưng kết quả không được như mục tiêu” - ông Phương cho biết.

Chủ tịch Vinaconex xin lỗi vì lỡ lỗ 619 tỷ - 1
Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. (Ảnh VNE)

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ khổng lồ này, Tổng giám đốc Vũ Quý Hà cho biết là do gánh lỗ của Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả. Đến hết năm 2012 lỗ lũy kế của tại đơn vị này là 1.588 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá 213 tỷ đồng, Vinaconex đã phải trả nợ thay cho Cẩm Phả hơn 2.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phương cũng cho rằng, việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên chưa lường hết những biến động khó khăn của thị trường. Ngoài ra, đề ra tái cấu trúc với giá trị lớn trong khi chỉ thực hiện khoảng 13% do thị trường tài chính chứng khoán ảm đạm là những nguyên nhân cơ bản khiến Vinaconex không hoàn thành được mục tiêu.

Trong năm 2013, Vinaconex đặt ra chỉ tiêu doanh thu hơn 5.400 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 477 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có doanh thu, lợi nhận lần lượt là hơn 400 tỷ đồng và 177 tỷ đồng. Sau khi xin ý kiến, các cổ đông cũng thống nhất bán tối thiểu 70% cổ phần Vinaconex tại Xi măng Cẩm Phả cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2013.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2013, Vinaconex cho biết phải trích lập 1.106,7 tỷ đồng tổn thất đầu tư tài chính tại các công ty thành viên và dự phòng các khoản phải thu khó đòi (số liệu đã bù trừ giữa giá trị phải trích lập và giá trị được hoàn nhập) trong đó riêng chi phí phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính vào Xi măng Cẩm Phả là 1.209,81 tỷ đồng.

Do đó, Vinaconex sẽ bán 70% cổ phần của Xi măng Cẩm Phả thuộc sở hữu của Vinaconex cho đối tác nước ngoài. Giá bán không thấp hơn giá trị vốn chủ sở hữu của Xi măng Cẩm Phả.

Vinaconex cũng cho biết, đã có hai nhà đầu tư nước ngoài, là các tập đoàn xi măng, quan tâm và gửi thư đề xuất hợp tác tái cấu trúc vốn Xi măng Cẩm Phả. Dự kiến, Vinaconex sẽ bán cổ phần Xi măng Cẩm Phả dưới mệnh giá.

Các đối tác sẽ chi ngay một lượng tiền cho giao dịch, trả tiền mua cổ phần cho Vinaconex và bơm trực tiếp cho Xi măng Cẩm Phả để tái cơ cấu nợ vay, thông qua việc trả trước các khoản nợ vay của nước ngoài, trả các khoản nợ vay có lãi suất cao... 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thụy Miên (Báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN