Chính phủ Ấn Độ khốn đốn vì dân mê vàng

Mỗi năm, Ấn Độ chỉ sản xuất được khoảng 10 tấn vàng nhưng người dân nước này tiêu thụ tới 870 tấn. Sự mê vàng của dân chúng đã khiến đồng rupee của nước này mất giá tới 20% trong năm qua.

Hàng ngày, cứ vào khoảng lúc 6h30 chiều là chợ đêm Zaveri Bazeer ở Mumbay là lại rực sáng. Đám đông dầy đặc, chật vật tìm lối đi giữa nào là xe taxi, nào là bò, nào là xe ba gác, với vô số các cửa hiệu kim hoàn tủ kính lộng lẫy nối tiếp nhau, đầy nghẹt người. Có thể nói, đây chính là một góc thu nhỏ thể hiện rõ nét nhất thói quen “sùng bái vàng” của người dân Ấn Độ.

Theo tờ Le Nouvel Observateur (Pháp), sự ham mê vàng của người dân Ấn Độ dưới dạng thỏi, nữ trang... là khá tai hại. Nó là một yếu tố đáng kể làm cho đồng rupee của nước này mất giá tới gần 20%. Theo một báo cáo mới nhất được Ngân hàng Deutsche Bank AG công bố gần đây, đồng rupee Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 68,845 rupee/USD trong tháng 8/2013, và chỉ mới phục hồi lên mức 61,98 rupee/USD trong phiên giao dịch ngày 25/12/2013.

Trong khi chỉ sản xuất được 10 tấn vàng thì Ấn Độ lại tiêu thụ đến 870 tấn vàng trong năm 2012, vì thế nước này phải nhập khẩu vàng, và như vậy vàng chiếm tới một nửa trong thâm hụt cán cân vãng lai của Ấn Độ, vốn đã đạt mức 4,8% GDP trong quý II/2013, tương đương với gần 90 tỷ USD.

Cũng theo Deutsche Bank AG, Ấn Độ, cùng với Indonesia sẽ là hai quốc gia duy nhất trong số 10 nền kinh tế lớn nhất châu Á tiếp tục thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2014. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là cơn khát vàng không giới hạn của người dân nước này.

Chính phủ Ấn Độ khốn đốn vì dân mê vàng - 1

Sự ham mê vàng của người dân Ấn Độ

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém, xuất khẩu sụt giảm, sự khát vàng của người dân Ấn Độ đang ngày càng trở thành một gánh nặng đối với chính phủ. Nhiều chuyên gia cho rằng để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Ấn Độ nên ngừng nhập vàng. Tuy nhiên, theo Le Nouvel Observateur, vấn đề vàng xem ra rất tế nhị và yêu cầu giảm tiêu thụ vàng không dễ, vì đây là môt vấn đề liên quan đến văn hóa, tôn giáo, kinh tế và xã hội của Ấn Độ. Bởi vàng, ngoài để đầu tư và cất giữ, còn là vật cúng lễ dâng lên các đền thờ để cảm ơn hay cầu xin các vị thần. Vàng cũng không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, lễ tết, hội hè v.v.  Thực tế này đã khiến chính phủ Ấn Độ phải bó tay.

Trước đây đã có một số biện pháp nhằm hạn chế bớt cơn khát vàng của người dân Ấn Độ, lệnh cấm nhập vàng vào năm 1947, hay buộc phải có giấy phép nhập khẩu như vào năm 1966, sau đó cho tự do hóa việc buôn bán vào năm 1997... Và mới nhất hiện nay là biện pháp tăng thuế đánh vào vàng nhập khẩu.

Về câu hỏi ai là người sở hữu nhiều vàng nhất ở Ấn Độ, câu trả lời, theo tác giả bài báo, có lẽ là các đền thờ Ấn Độ giáo. Tác giả cho biết, đi vào các đền thờ, như đền Ganapati Mandir thờ thần Ganesh ở Bombay chẳng hạn, bạn sẽ có cảm giác như đang đi vào một ngân hàng. Bạn phải đi qua một cổng có rà soát kim loại, đến nơi khám xét với những nhân viên bảo vệ có vũ trang, rồi sau đó mới vào được bên trong với tượng voi thần dưới một mái vòm bằng vàng. Nhân viên coi đền cho biết họ "chỉ có" 10 kg vàng ở ngân hàng và 150 kg trong đền. Đó là các lễ vật dưới dạng nữ trang, tiền vàng, thỏi vàng. Tuy nhiên, điều này không được kiểm chứng.

Theo các tin đồn, ngôi đền có nhiều vàng nhất là đền Tirupati ở miền nam Ấn Độ, nơi có số vàng tương đương là 90 tỷ USD. Chính quyền Ấn Độ cũng đang muốn tìm hiểu về lượng vàng trữ ở các đền, chùa song vẫn còn phải e dè, thận trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Minh (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN