CEO Google vừa đến Việt Nam có gì đặc biệt?

Sự kiện: Google

Sundar Pichai- tân CEO của Google được đánh giá rất cao vì tài năng của mình, nhưng ít ai biết quá trình vươn lên của ông, qua đó thấy rằng người đàn ông gốc Ấn này đã kiên cường như thế nào...

Sáng 22/12/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Google (Hoa Kỳ) Sundar Pichai đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Thông tin từ Văn phòng chính phủ cho biết, hoan nghênh ông Sundar Pichai thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tên tuổi, thương hiệu toàn cầu của Google, nhất là việc đóng góp của Google vào việc phổ biến tri thức, nâng cao cơ hội tiếp cận thông tin, giáo dục cho người dân trên thế giới, góp phần cho sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như các quốc gia.

Thủ tướng cho biết với dân số khoảng 93 triệu người, Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ và đang trong thời kỳ dân số vàng, trong đó 52% dân số đã tiếp cận Internet và phần lớn trong số đó sử dụng công cụ tìm kiếm Google. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, có chính sách thuận lợi, khuyến khích phát triển Internet và ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Do vậy, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn công nghệ thông tin lớn của thế giới, trong đó có Google đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam; đồng thời mong muốn Google hỗ trợ và mở rộng hợp tác với các đối tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng cũng đề nghị Google phối hợp với các cơ quan của Việt Nam trong việc tuân thủ các pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động thương mại xuyên biên giới; bảo vệ an ninh quốc gia cũng như các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Việt Nam trên Internet.

Tại buổi tiếp, ông Sundar Pichai đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam cũng như tiềm năng to lớn của Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và cho rằng với việt ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Binh Dương (TPP), Google sẽ có cơ hội lớn để hợp tác và mở rộng hơn nữa hoạt động tại Việt Nam. Sắp tới, Google sẽ có một số dự án hỗ trợ cho Việt Nam như đào tạo cho khoảng 1.400 kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin của Việt Nam; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua thương mại điện tử và các dự án liên quan đến giáo dục - đào tạo.

CEO Google vừa đến Việt Nam có gì đặc biệt? - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai. (Ảnh: TTXVN).

Theo khảo sát thì lượng sử dụng công cụ tìm kiếm Google phục vụ cho mục đích lấy thông tin và giáo dục của người dân Việt Nam cao gấp 3 lần mức trung bình của toàn thế giới. “Google tin tưởng Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của mình và chúng tôi cam kết làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam” - Tổng giám đốc điều hành Google nói; đồng thời cũng cũng khẳng định Google luôn tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về thuế của bất cứ quốc gia nào mà Google hoạt động.

Trong dịp tới thăm Việt Nam, chiều 22/12, ông Sundar Pichai cũng có buổi gặp gỡ với 200 khách mời là giới truyền thông, những doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp. CEO Google Sundar Pichai khẳng định thị trường công nghệ Việt Nam nhiều tiềm năng và rộng lớn.

Vị tân CEO Google cho rằng các công ty khởi nghiệp công nghệ nên tiếp cận thị trường nội địa trước khi ra bên ngoài. Với dân số sắp tới mức 100 triệu, mức tăng trưởng Internet cao, tỷ lệ sử dụng smartphone lớn, người ngoài cuộc như ông nhìn vào sẽ thấy thị trường Việt Nam là rộng lớn và nhiều tiềm năng, giới trẻ giàu tinh thần khởi nghiệp.

Ví như kênh Youtube của Alphabet (tên công ty mẹ của Google) có mức độ gia tăng người dùng ở Việt Nam nhanh gấp ba lần mức trung bình. Điều đó cho thấy khả năng tiếp cận công nghệ của người Việt Nam là rất nhanh.

Trước câu hỏi về việc làm sao để doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cạnh tranh với những thị trường lớn hơn như Trung Quốc, ông Sundar Pichai nói điều đó phụ thuộc vào việc nơi đâu có sản phẩm tốt hơn. Sản phẩm tốt được bắt đầu từ ý tưởng hay, có khả năng giải quyết vấn đề, chứ không phải ở nguồn gốc xuất xứ.

CEO Google vừa đến Việt Nam có gì đặc biệt? - 2

CEO Google trò chuyện thân mật với Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird, tại một quán nước lề đường gần hồ Gươm (Ảnh: báo Tuổi trẻ).

Sundar Pichai thành người đàn ông quyền lực nhất Google như thế nào?

Sundar Pichai, tên đầy đủ là Pichai Sundararajan được sinh ra ở Chennai, một thành phố 4 triệu dân nằm ở khu vực phía nam Ấn Độ thuộc bang Tamil Nadu. Mẹ của ông là một người viết tốc kí trước khi có con, còn cha của Pichai là kĩ sư điện cho tổ hợp công nghiệp anh GEC, đồng thời quản lý một nhà máy sản xuất các linh kiện điện. Regunatha Pichai, cha của Sundar Pichai, chia sẻ: "Tôi từng về nhà và nói chuyện với nó khá nhiều về ngày làm việc của tôi và những khó khăn mà tôi phải đối mặt. Ngay cả ở tuổi nhỏ, Sundar đã tò mò về công việc của tôi. Tôi nghĩ nó đã bị thu hút bởi công nghệ.

Gia đình 4 người của ông sống trong một căn họ 2 phòng. Sundar và người em của mình phải ngủ trong phòng khác. Trong suốt tuổi thơ của mình, Pichai không có dịp sở hữu TV hay xe hơi. Để di chuyển, anh thường chọn bắt xe buýt đông đúc hoặc sử dụng chiếc scooter Lambretta màu xanh của gia đình. Chiếc xe này phải chở đến 4 người: ông Regunatha lái, Sundar đứng phía trước, còn mẹ và em thì ngồi ngoài sau.

Sundar có được chiếc điện thoại đầu tiên của mình vào năm ông 12 tuổi. Nó là một chiếc điện thoại quay số, và chính thiết bị này đã cho chàng trai trẻ tuổi thấy được sự tiện lợi của công nghệ. Cũng thông qua sản phẩm này, Sundar phát hiện ra rằng mình có thể nhớ mọi số liên lạc từng gọi. "Tôi không chắc rằng tài năng này là hữu ích". Thế nhưng, giờ đây nó đã thật sự giúp Sundar ở vai trò điều hành Google: ông là một trong số ít những người có thể nhớ rất nhiều số liệu. Alan Eustace, phó chủ tịch mảng kĩ thuật, nhớ lại rằng trong một buổi họp gần đây về sự gia tăng của các lượt tìm kiếm bằng giọng nói, Sundar đã khiến mọi người ngạc nhiên. "Đó là lĩnh vực của tôi", Eustace cho biết, "và anh ấy biết những con số mà tôi chẳng biết".

CEO Google vừa đến Việt Nam có gì đặc biệt? - 3

Pichai và vợ tại New York năm 2002​.

Pichai học giỏi ở trường và được nhận vào Học viện Công nghệ Ấn Độ để theo đuổi tấm bằng kĩ sư. Sau khi tốt nghiệp, ông giành được học bổng ở Đại học Standford để học khoa học vật liệu và vật lý bán dẫn. Thế nhưng để bay sang Mỹ học cũng là cả một sự cố gắng vượt bậc. Cha của Pichai đã cố gắng vay mượn tiền để trả cho vé máy bay cũng như các chi phí khác. Khi mượn tiền không kịp, ông phải rút 1000$ từ tài khoản tiết kiệm của gia đình, và con số này cao hơn cả lương mỗi năm của ông. "Cha và mẹ tốt đã làm giống như nhiều bậc phụ huynh khác vào lúc đó. Họ sẵn sàng hi sinh rất nhiều thứ trong cuộc sống và sử dụng một khoảng lớn tiền tiết kiệm nhằm đảm bảo rằng con cái họ được giáo dục".

Pichai còn dự tính sẽ lấy một tấm bằng tiến sĩ ở Standford và theo đuổi con đường học thuật, thế nhưng ông đã làm cho cha mẹ mình hoảng sợ khi quyết định dừng học để đi làm kĩ sư và quản lý sản phẩm cho Applied Materials, một công ty bán dẫn tại khu vực Thung lũng Silicon. Sau khi có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường kinh doanh Wharton hồi năm 2002 song song với việc làm tư vấn viên cho McKinsey, Pichai về với Googleplex vào ngày 1/4/2004. Đúng hôm đó, Google đã triển khai Gmail, một dịch vụ email nền web miễn phí. Pichai cho biết rằng lúc đó ông vẫn tưởng rằng đây là một trong số những trò đùa của Google nhân ngày Cá tháng Tư.

Pichai tham gia một nhóm nhỏ làm việc với thanh công cụ tìm kiếm của Google. Nó được phát triển dành cho người dùng Internet Explorer và Firefox, hai trình duyệt phổ biến nhất thời bấy giờ. Ông đề xuất rằng Google nên tự mình làm trình duyệt và có được sự ủng hộ từ hai đồng sáng lập công ty, tuy nhiên lại gặp phải chướng ngại là CEO đương thời Eric Schmidt. Schmidt nghĩ rằng việc nhảy vào cuộc chiến này là một sự phân tâm mà Google sẽ phải trả giá đắt. Thế nhưng cuối cùng Chrome cũng đã chứng minh được rằng phần mềm này rất nhanh và dễ dùng, đồng thời giúp người truy cập trực tiếp vào bộ máy tìm kiếm của Google để rồi dẫn đến doanh thu cao hơn cho tập đoàn. Chrome hiện đang nắm thị phần 32% trên điện thoại và PC, dẫn trước Internet Explorer, Firefox và Safari, theo số liệu từ Adobe.

Ngay cả tham vọng của Pichai trong việc xây dựng hệ điều hành đám mây Chrome OS cũng cho thấy nhiều điều hứa hẹn mặc cho thị trường PC đang vô cùng ảm đạm. Chromebook dẫn dắt người dùng tiếp cận với Internet một cách tích cực, kể cả việc lưu dữ liệu. Khi Chrome OS được công bố lần đầu tiên vào năm 2011, một hệ điều hành dựa hoàn toàn vào đám mây như thế này đã bị nhiều người chê bai, thế nhưng trong năm ngoái gần 21% laptop được bán ra tại Mỹ là Chromebook. Nói cách khác, Pichai đã thiết lập nên một nhóm vững mạnh trong Google có khả năng liên kết với nhiều đối tác phần cứng lẫn phần mềm. Những kĩ năng quản lý trong quá trình này cũng giúp Pichai nhiều trong việc quản lý Android.

Chiếc điện thoại Android đầu tiên ra mắt năm 2008, hơn 1 năm sau khi iPhone xuất hiện. Nó là chiếc T-Mobile G1, được sản xuất bởi HTC và chỉ chạy trên mạng T-Mobile của Mỹ. Nó có màn hình trượt ngang và một bàn phím QWERTY vật lý nhằm cạnh tranh được không chỉ với iPhone mà còn với BlackBerry. Chỉ 3 năm sau, Android đã có một bộ mặt khác hẳn, giao diện hiện đại hơn, thiết bị đa dạng hơn và thị phần thì tăng nhanh.

Khi nói về mối quan hệ giữa mình với cha đẻ của Android, ông Andy Rubin, Pichai cho biết: "Thậm chí chẳng có riêng tư. Chúng tôi có một tình bạn tốt, nhưng chúng tôi không quá thân thiết. Andy giữ riêng cho mình những suy nghĩ về mọi vật xung quanh. Theo ý của tôi thì ở mức cơ bản nhất, đây là cách mà ảnh ấy làm việc. Andy có một kết hoạch và một chiến lượng, thế nhưng nó luôn nằm trong đầu của anh ta".

Năm 2013, Android đã thắng lên trên thị trường smartphone nhưng lại thất bại ở các lĩnh vực mới hơn. iPad của Apple thống trị mảng máy tính bảng, Google TV thì không được ưa chuộng. Thế nên đầu năm ngoái, CEO Larry Page nói với Rubin rằng ông cần tích hợp Android với phần còn lại của Google. Rubin lúc đầu đồng ý, nhưng sau đó đổi ý và cho biết rằng ông không thể làm được điều đó. Ông từ chức khỏi vị trí giám sát toàn bộ mảng Android, tuy nhiên Rubin vẫn còn ở lại Google để làm việc với những dự án robot bí mật. Một nguồn tin nội bộ từng tiết lộ rằng việc kí đơn từ chức của Rubin là quyết định khó khăn nhất mà Page phải đưa ra kể từ khi ông nhận lại chức CEO ba năm trước. Page sau đó đã trao quyền hành về Android lại chi Pichai.

Pichai nhớ lại nhiệm vụ đầu tiên của ông đó là không làm tổn hại đến hệ điều hành này. "Tôi đã lo lắng về việc làm gián đoạn công việc của mọi người". Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Pichai đã nhanh chóng mở cánh cửa giữa Android với các sản phẩm Google khác. Ông thúc đẩy sự phát triển của Google Now, tính năng thông minh giúp hiển thị tính năng tùy theo ngữ cảnh. Rubin đã giới thiệu nó, còn Pichai đã tạo nên sự thống nhất giữa Now với các dịch vụ khác mà Google cung cấp.

Bên cạnh đó, Pichai còn quyết định sẽ đầu tư nguồn lực thêm cho dự án Svelte nhằm cắt giảm Android để nền tảng này có thể chạy trên các thiết bị tầm thấp và có giá rẻ. Điều đó có nghĩa là lập trình viên sẽ không phải tạo ra nhiều phiên bản cho ứng dụng của mình để tương thích với các điện thoại rẻ tiền. Pichai cũng "khai tử" một dự án xây dựng biến thể Android dành riêng cho laptop có màn hình cảm ứng bởi vì dòng thiết bị này sẽ xung đột với Chromebook. Thay vào đó, Pichai hướng Android vào các lĩnh vực mới và có tiềm năng hơn như Smart TV và thiết bị đeo được.

Ông cũng là người giúp hoàn tất thương vụ Google mua lại công ty cung cấp cảm biến nhiệt độ thông minh Nest hồi tháng Một năm nay, để rồi sau đó cho dừng nhiều dự án nhỏ liên quan đến căn hộ thông minh chạy Android và chuyển trách nhiệm phát triển sang cho đội ngũ Nest.

Pichai cũng cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa Google với các đơn vị khác. Hồi tháng 4/2013, ông cùng với Larry Page và trưởng bộ phận kinh doanh Nikesh Arora đã bay đến Hàn Quốc để gặp ban quản trị Samsung, đồng thời ghé thăm nhà máy của hãng. Trong chuyến đi, ông nói: "Tôi nghĩ rằng có khá nhiều khao3ng cách hơn những gì tôi muốn có trong một mối quan hệ. Tôi muốn một phương thức giao tiếp gần gũi hơn và trực tiếp hơn".

Khi được hỏi về Tizen, nền tảng di động mà Samsung đang hợp tác phát triển với Intel và nhiều công ty khác, Pichai chia sẻ: "Tôi xem Tizen là một lựa chọn mà người ta có thể có. Chúng ta cần đảm bảo rằng Android là một lựa chọn tốt hơn". Hiện Tizen OS chỉ mới được dùng trên những chiếc đồng hồ Samsung Gear cùng với chiếc điện thoại Samsung Z mà thôi. Chúng ta có thể nói rằng mối quan hệ giữa Google và Samsung không hoàn hảo, tuy nhiên ít ra nó đang ở một vị thế tốt. Chung quy lại thì cả hai vẫn cần có nhau để tiếp tục tồn tại và phát triển trong thời đại ngày nay.

Về công việc của Pichai tại Google, Pichai là một người rất được yêu mến. Caesar Sengupta, một phó chủ tịch từng làm việc với Pichai trong vòng 8 năm qua, cho biết: "Tôi thách bạn tìm được một người nào đó ở Google không thích Sundar hoặc một người nào đó nghĩ Sundar là một tên khốn". Cá nhân ông là một người nói năng nhỏ nhẹ và không khoa trương, tuy nhiên cũng có những lúc ông không nói mạch lạc lắm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Google Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN