Cần đường dây nóng về đất đai

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đề nghị, nên thiết lập một đường dây nóng để dân có thể phản hồi tức thì.

Liên quan việc tiếp thu trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cho rằng, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, nhất là quy định về cơ chế giám sát của nhân dân trong quá trình thực thi luật. Ông đề nghị nên thiết lập một đường dây nóng để dân có thể phản hồi tức thì.

GS Đặng Hùng Võ nói: Tôi cũng được tham góp vào quá trình xem xét việc tiếp thu ý kiến trong đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua. Trong số 87 vấn đề của dự thảo luật được lấy ý kiến, có tới 30 vấn đề đã được tiếp thu vào dự thảo luật mới nhất. Tôi đánh giá đây là những tín hiệu rất đáng mừng.

Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề trong dự thảo mới nhất chưa được đề cập hoặc đề cập chưa thỏa đáng. Chẳng hạn như vấn đề tham vấn cộng đồng và sự đồng thuận của cộng đồng trong quyết định về đất đai và quản lý đất đai; Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với thẩm quyền quyết định về đất đai chưa được thiết kế cụ thể, nhất là vấn đề phân cấp, chia tách thẩm quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Cơ chế hạn chế tham nhũng này chưa có quy định cụ thể trong dự thảo luật.

Cần đường dây nóng về đất đai - 1

“Một vấn đề quan trọng cần quan tâm là tiêu chí nào để quyết định tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến của dân”, GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: Nguyễn.

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh cơ chế cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) được quyền thu hồi GCN là không hợp lý, gây nhiều rủi ro cho người được cấp GCN. Đặc biệt, vấn đề cá nhân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia giám sát quá trình thực thi luật chưa được quy định rõ ràng.

Ông có thể nói rõ hơn?

Luật Đất đai năm 2003 cũng như Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa chạm đến việc cá nhân tham gia giám sát thực thi pháp luật đất đai. Trong đợt lấy ý kiến nhân dân vừa rồi, cũng có đến 14.359 ý kiến cho rằng cần có cơ chế công dân thực hiện quyền giám sát. Tiếc là chưa được tiếp thu. Như thế là chưa thỏa đáng. Theo tôi, cần thiết lập một đường dây nóng để mọi người có thể phản hồi những bất cập trong quá trình thực thi luật.

Năm 2005, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã có quyết định thành lập đường dây nóng để nghe ý kiến dân về tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ. Nhân lực thường trực đường dây nóng, có thời điểm lên đến năm người. Đường dây nóng khi đó đã làm được nhiều việc. Trong rất nhiều trường hợp, Bộ đã can thiệp để địa phương giải quyết quyền lợi cho dân.

Một tác dụng lớn nhất của đường dây nóng là, năm 2006, khi Bộ TN&MT tổ chức kiểm tra tình hình quy hoạch treo, dự án treo trên phạm vi cả nước. Thách thức là không có thông tin về vị trí các quy hoạch treo, dự án treo. Bộ đã kêu gọi ai biết ở đâu có dự án treo, quy hoạch treo thì thông báo qua đường dây nóng.

Một tuần sau, hơn 3.000 ý kiến gửi qua đường dây nóng. Trong quá trình kiểm tra thì gần như những nơi được kiểm tra đều là thực. Sau này, đôi khi tôi vẫn nhận được điện thoại với nội dung "Gọi đến đường dây nóng không có trả lời. Liệu có phải đường dây đã nguội rồi không?”.

Xin cảm ơn ông. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hoài (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN