Cá nhân không bị hạn chế sử dụng ngoại tệ

Việc cho phép cá nhân thực hiện vay và trả nợ vay nước ngoài khi cá nhân có khả năng thu xếp được khoản vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ là bảo đảm quyền chính đáng của người dân.

Trong ngày 18.3, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Đáng chú ý, Pháp lệnh sửa đổi có 4 nội dung khác biệt quan trọng liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; vay và trả nợ vay của người cư trú; đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam và chống tình trạng “đôla hóa”.

Cá nhân không bị hạn chế sử dụng ngoại tệ - 1
Về chống tình trạng “đôla hóa”, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân

Liên quan đến vay và trả nợ vay nước ngoài, Ủy ban Kinh tế cho biết: Việc cho phép cá nhân thực hiện vay và trả nợ vay nước ngoài khi cá nhân có khả năng thu xếp được khoản vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ là bảo đảm quyền chính đáng của người dân, đồng thời góp phần thu hút nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài phát triển kinh tế.

Vì vậy, ủy ban tán thành quy định như Pháp lệnh sửa đổi, theo đó không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài, nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này như thể hiện trong khoản 2 Điều 17 - khoản 11 Điều 1 dự thảo Pháp lệnh sửa đổi.

Về chống tình trạng “đôla hóa”, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân, đồng thời giao Chính phủ xây dựng lộ trình chống tình trạng “đôla hóa”. Đồng tình với việc thông qua dự án Pháp lệnh nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết ông nhận được nhiều phản ánh từ bà con kiều bào ở nước ngoài từng chuyển ngoại tệ về trong nước để làm ăn kinh doanh, nay có nhu cầu chuyển ngoại tệ thu được từ Việt Nam ra nước ngoài thì gặp phải thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Chủ tịch đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm sao vừa tạo thuận lợi cho dân, đồng thời chống tiêu cực trong vấn đề này. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiếu Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN