Bộ trưởng Xây dựng: "30.000 tỷ là còn ít"

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, đến năm 2020, cả nước cần hơn 1 triệu căn hộ, trong đó TP Hà Nội và TP.HCM, mỗi nơi cần hơn 100.000 căn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Muốn đáp ứng được nhu cầu này phải có cung nhưng hiện nay nguồn nhà xã hội rất ít. Nhà ở xã hội thì nước ta còn nghèo, vốn ngân sách của nhà nước còn khó khăn nên phải huy động các doanh nghiệp làm. Cho nên phải có cơ chế chính sách hỗ trợ. Không phải doanh nghiệp nào cũng thích làm nhà ở xã hội bởi vì lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp, lại vướng nhiều quy định về đất đai, về đầu tư, cần có thời gian nhất định để một dự án thực hiện được.

Cho nên, gói 30.000 tỷ đồng này cũng phải đúng đối tượng. Đây là gói hỗ trợ của nhà nước. Nếu không đúng đối tượng thì sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để tham nhũng, cái này đang bị lên án nên phải có những quy định cụ thể.

Cũng không phải vì thế mà làm chậm, cần phải làm nhanh. Đây không chỉ có trách nhiệm của Bộ Xây dựng mà của cả Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là các địa phương cũng phải vào cuộc để xác nhận về nhu cầu của người được mua nhà.

Bộ trưởng Xây dựng: "30.000 tỷ là còn ít" - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (Ảnh: Xuân Hải)

Liệu xu hướng xây nhà ở xã hội nhiều như thế có tạo ra loại nhà ở với chất lượng và kiến trúc không được như mong muốn, thưa Bộ trưởng?

Không. Nhà ở xã hội hiện nay nó khác rất nhiều nhà ở xã hội mà trước nay vẫn quan niệm. Đây là nhà ở thị trường phi hàng hóa. Có cung, có cầu và có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước.

Người dân tiếp cận thì được mua với giá thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đó. nhưng có cạnh tranh, đơn vị làm nhà ở xã hội mà làm kém thì người dân sẽ không mua, thất bại. Nó khác với nhà ở xã hội một số nước có chất lượng kém nhưng chúng ta khác.

Như khu nhà ở Đặng Xá (Hà Nội) sẽ thấy rằng, người ta không thể phân biệt nhà ở xã hội với nhà ở thương mại. Nhà đầu tư vừa phải làm được, vừa phải có lãi, chúng ta cũng mong muốn như vậy. Như vậy, kinh tế mới tăng trưởng được, mới cải thiện đời sống cho mọi người được.

Thưa Bộ trưởng, có bế tắc gì trong hoạt động giải ngân của các ngân hàng?

Chậm giải ngân tất nhiên ngoài việc do chậm xác nhận của địa phương cũng có trách nhiệm của ngân hàng, rồi trách nhiệm của việc hướng dẫn làm sao để được giải ngân nhanh nhất... Cái này, các cơ quan đều phải vào cuộc để làm thôi.

Xin Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ Xây dựng có thành lập đoàn kiểm tra tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính không?

Bộ Xây dựng cũng thường xuyên đi kiểm tra, cùng các địa phương tháo gỡ để các dự án nhà ở chuyển từ thương mại sang các dự án nhà ở xã hội nhanh nhất.

Hiện nay có sự lệch pha lớn giữa cung và cầu về nhà ở xã hội. Chúng ta phải khắc phục, bằng cách hướng bất động sản vào các mục tiêu của chiến lược nhà ở, giải quyết nhu cầu nhà ở cho tất cả người dân.

Trước đây, đầu tư nhiều nhà ở thương mại quá thì nay phải chuyển hướng bớt sang đầu tư nhà ở xã hội. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định về đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Nó sẽ tạo sự thông thoáng. Dự thảo nghị định chúng tôi đã trình lâu rồi, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành sớm trong những ngày tới đây.

Hiện nay tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ mới chỉ đạt 1,1% thì nhanh hay chậm, thưa Bộ trưởng?

Quan trọng không phải là nhanh hay chậm, mà phải đúng đối tượng. Muốn nhanh phải có nhà, phải có mua bán, phải có hợp đồng. Mà muốn có hợp đồng phải có nhà. Cầu thì rất nhiều nhưng cung đang thiếu. Phải làm sao đó cung nhiều lên, không chỉ là trách nhiệm của Bộ Xây dựng, các địa phương phải vào cuộc, động viên các doanh nghiệp đầu tư làm nhà xã hội. Có nhiều nhà mới giải quyết nhanh. Tôi e rằng 30.000 tỉ đồng là còn ít.

Khi xây dựng chính sách này, một trong những mục tiêu của nó là góp phần phá băng thị trường BĐS nhưng đến thời điểm này rất khó để đạt được?

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ. Còn gói 30 ngàn tỉ đồng này là sự quan tâm của Chính phủ nhằm hỗ trợ nhà ở cho người nghèo chứ không phải trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Các nước giàu họ không khó khăn về BĐS, họ vẫn có gói tín dụng lãi suất rất thấp để làm nhà ở xã hội cho người dân. Không phải gói này mang ra để cứu BĐS, không có.

BĐS muốn thoát khỏi khó khăn thì trách nhiệm của nhà nước, của doanh nghiệp… phải vào cuộc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không có quy hoạch, tự phát và phải rà soát, phân loại dự án, chuyển bớt nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN