Bất động sản khó có “cửa” lên

Trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, dù thế nào đi nữa, thị trường bất động sản cũng khó có thể tin sẽ có “cửa” lên khi các lĩnh vực liên quan như bê tông, sắt thép, đất, đá… không còn là câu chuyện bí mật.

Những “trở lực” của BĐS 

Chỉ làm một thao tác nhỏ, vào trang www.google.com, đánh cụm từ “BĐS tồn kho”, trong khoảng 0,29 giây, kết quả hiển thị đã cho khoảng 2,5 triệu kết quả. Điều đó cho thấy, nếu trước đây giá nhà đất, căn hộ cũng như tiến độ thi công từng dự án được coi là “kín cổng cao tường” thì giờ đây đã khác, không còn là câu chuyện bí mật; ở đâu thừa, ở đâu thiếu, giảm giá thế nào cũng có tất, người ta buộc phải công khai để người mua còn đến nếu không biết bán cho ai bây giờ.

Theo các chuyên gia tài chính, BĐS, các công ty BĐS có 3 “trở lực” lớn nhất liên quan “vận mệnh” của họ trong thời gian tới là vốn, hàng hóa tồn kho và thị trường tiêu thụ. Đối với kinh doanh, đầu tư BĐS chỉ cần vướng 1 trong 3 “trở lực” nói trên thì được coi là “trọng bệnh”, là lãnh đủ, đằng này bị cả 3, coi như “bạo bệnh”.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp Thủ đô, cuối tháng 03 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp mặt đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm chia xẻ những gian truân, túng quẩn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại hội nghị, nhiều DN than thở và đề nghị thành phố hãy mạnh tay, nhanh tay hơn trong việc xúc tiến thương mại để kích thích tiêu dùng nhằm vượt qua 3 rào cản nêu trên, trong đó có hàng tồn kho.

Điều đặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô cho rằng, từ đầu năm nay xuất hiện hiện tượng hàng tồn kho nhiều không đáng ngại bằng hàng tồn kho ít. Nhiều doanh nghiệp sau khi đẩy mạnh bán hàng vào giữa năm ngoái nay lại rơi vào tình trạng không đòi được tiền, thiếu vốn; trong khi kiện cáo nhau ra tòa vào thời điểm này quả thật là “hạ sách”, bởi chắc gì đòi được, bởi ai cũng thiếu thốn tiền nong.

Theo báo cáo của của các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, bất động sản vẫn là lĩnh vực còn nhiều khó khăn. So với cuối năm 2012, giá căn hộ đi xuống rõ rệt, dù sức mua có cải thiện, nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục thấp. Nguyên nhân do lượng cung nhà, đất mỗi ngày một lớn. Theo thống kê, hiên nay trên địa bàn khoảng 6.000 căn hộ đang bỏ không cùng hàng nghìn biệt thự cao cấp.

Bất động sản khó có “cửa” lên - 1


Tâm lý “ngồi chờ” lên giá…

Để xử lý lượng hàng tồn kho lớn như vậy, thành phố Hà Nội đã có giải pháp mua lại các dự án nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội, quỹ nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của thành phố. Hiện tại, chính sách chuyển đổi từ dự án thương mại sang dự án nhà ở xã hội cũng mới chỉ có 3 dự án được thành phố chấp thuận chủ trương.

Đặc biệt hơn, mặc dù đang trong thời điểm rất khó khăn, nhưng chưa có doanh nghiệp nào đăng ký bán sản phẩm của mình cho thành phố vì giá quá rẻ. Thực tế với thị trường BĐS mỗi ngày một giảm giá sẽ bất hợp lý nếu thành phố mua giá cao? Và hơn nữa, lấy đâu tiền để mua giá cao? Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, chính quyền tích cực hỗ trợ mang tính kích thích, cái chính là các doanh nghiệp chủ động tìm đầu ra, không thể ngồi chờ “sung rụng”.

Theo đánh giá, đây là biểu hiện tâm lý ngồi chờ giá lên của đại đa số các chủ đầu tư BĐS trên địa bàn Hà Nội nói chung cũng như nhiều đơn vị trong cả nước bất luận các khoản nợ nần nhất là nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng mỗi ngày một lớn, chưa có cơ may giải quyết. Còn các chuyên gia tài chính - bất động sản cho biết, chừng nào các công ty BĐS vẫn tiếp tục nợ ngân hàng, phải trả lãi hàng tháng hoặc đang bị các tổ chức tín dụng cầm cố tài sản thì việc hy vọng giá lên khó có hy vọng gì nhiều.

Một thống kê được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa công bố vào cuối tháng 10/2012, dư nợ có tài sản đảm bảo bằng BĐS khoảng 1,24 triệu tỷ đồng, chiếm 46,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Tổng dư nợ cho vay BĐS khoảng 207.595 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm tỷ trọng 13,5% (bằng khoảng 28.000 tỷ đồng).

Chỉ vài thông tin này đủ thấy thị trường cùng giá nhà đất sẽ tiếp tục hạ thấp bất luận các chủ đầu tư hay các doanh nghiệp BĐS mơ mộng, kể cả tác động vào chính sách ra sao?
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Giao ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN