3-5 năm mới xử lý hết nợ xấu
Được ví như những “hố chôn tiền”, hàng tồn kho của ngành sản xuất VLXD, BĐS...đang được coi là những nguyên nhân gây bất ổn cho nền kinh tế. Bởi, nó đang ủ một nguồn vốn quá lớn, gây mất thanh khoản trong hệ thống ngân hàng (NH), là lý do không nhỏ khiến nợ xấu không có cách giải quyết dứt điểm.
Tồn kho cao, nợ xấu khó kiểm soát
Những tháng cuối năm, mặc cho các nhà sản xuất đua nhau tung ra nhiều chiêu khuyến mại khủng nhằm kích cầu thị trường, sức mua vẫn ì ạch. Chỉ số hàng tồn kho giảm so với cùng kỳ 9/2011, nhưng lượng hàng tồn kho lại tăng dần vào những tháng cuối năm. Cụ thể, chỉ số tồn kho tính đến hết tháng 9: công nghiệp chế biến chế tạo tồn 20,4%; gia cầm và thủy sản 34%; may mặc, thuốc lá, sắt thép đều tồn kho khoảng 40%; sản phẩm từ nhựa, ximăng tồn trên 50%...
Ngành BĐS có lượng hàng tồn đọng lớn nhất, thống kê có tới hàng triệu m2, trong đó chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM đã có khoảng 70.000 căn hộ đang “đắp chiếu”. Dư nợ ngân hàng của riêng ngành BĐS chiếm tới 1 triệu tỷ đồng. Doanh số bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại giảm 50%.
Ngành VLXD chiếm tỷ trọng tồn kho lớn
Hàng tồn kho tăng, đồng nghĩa với tính thanh khoản của DN trên thị trường kém, các khoản nợ xấu cũng bị “đóng băng”, kinh tế đình đốn, trì trệ, tốc độ tăng trưởng quốc gia giảm. Bên cạnh đó, những con số nợ xấu được công bố không thống nhất, khiến người dân mất niềm tin và nghi ngờ đằng sau khoản nợ xấu khổng lồ là những bất cập trong vấn đề lợi ích nhóm và sở hữu chéo NH.
Đơn cử, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu theo các TCTD báo cáo là hơn 117 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát NH, đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay của 57 TCTD chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD này; đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các TCTD là hơn 202 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Khu vực DNNN hiện đóng góp vào 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu. Cụ thể, nợ xấu của DNNN ước khoảng 200 nghìn tỷ đồng; của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty khoảng 153 nghìn tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Hiện nay, có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã rơi vào vòng luẩn quẩn: do áp lực lạm phát nên phải thu hẹp tổng cầu, khi CPI hạ quá nhanh, tăng trưởng chậm lại, sản xuất đình đốn, tồn kho, nợ xấu tăng cao lại có xu hướng nới lỏng để kích thích kinh tế, dẫn đến nguy cơ tái lạm phát cao.
Cần xã hội hóa mua bán nợ
Nợ xấu và hàng tồn kho là hai nút thắt cơ bản của nền kinh tế, đang làm tắc nghẽn quá trình chung chuyển nguồn lực quốc gia. Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phá tan “tảng băng” nợ xấu và hàng tồn kho, trong đó giải pháp kích thích tiêu dùng được chú ý.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nên hình thành quỹ cho vay tiêu dùng đối với người có thu nhập trung bình để mua nhà ở. Thị trường BĐS được giải quyết sẽ giúp các thị trường khác được vực lên.
TS. kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần phải thành lập Ủy ban độc lập về giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó cần có Ban kiểm soát hoạt động độc lập để kiểm soát hoạt động của ủy ban này. “Nợ xấu phát sinh từ năm 2008, nên bây giờ chúng ta phải nhìn đúng bản chất, sự thật của nợ xấu. Phải tập trung tài lực, trí lực, sự đồng thuận mới giải quyết được”, ông Ngân cho biết.
Trước đó, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải thành lập công ty mua bán nợ xấu do: nợ xấu trong khu vực của DNNN ở Việt Nam lớn; tài sản thế chấp phần nhiều là BĐS, và sở hữu chồng chéo nên có thể kết hợp được giải pháp tự giải quyết với giải pháp thành lập công ty đặc biệt về mua bán nợ xấu.
Trên thực tế, hiện chúng ta đang đã có công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng quy mô về vốn của DATC rất nhỏ, các cơ chế chính sách cho hoạt động mua bán nợ còn chưa hoàn thiện, nên quy mô xử lý so với số nợ xấu của nền kinh tế của DATC vẫn còn khiêm tốn. Điều này cũng đặt ra yêu cầu xã hội hóa việc mua bán nợ xấu.
Ông Phạm Thanh Quang, Tổng Giám đốc DATC, cho rằng việc thành lập thêm các tổ chức để xử lý nợ xấu là cần thiết. Đó là các công ty cổ phần có sự góp vốn của DATC để lôi kéo các nguồn lực xã hội tham gia. Nhưng quan trọng nhất, nợ xấu – đầu mối phải là các NH phải tự xử lý trước. NH và DN cùng bàn cách xử lý, nếu không xử lý được thì mới đến bên thứ 3 là các Công ty mua bán nợ.
“Việc xử lý nợ xấu theo các chuyên gia không phải sẽ hoàn thành trong 1-2 năm, mà ít nhất phải 3-5 năm”, ông Quang nói.
Cắt giảm đầu tư công thay vì cắt lương (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú)
Để xóa nợ xấu, hàng tồn kho cần phải khoan sức dân và khoan sức cho doanh nghiệp. Theo đó làm sao để người dân tăng thu nhập, hàng hóa hạn chế tăng giá. Cần giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp. “Vừa rồi Quốc hội hoãn việc tăng lương cho người lao động trong năm sau, tôi cho là không nên. Người dân phải có tiền mới có sức mua chứ! Theo tôi, nên cắt giảm chi phí đầu tư công, xây dựng cơ bản, thay vì cắt tăng lương”. BĐS là hố chôn tiền (Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng) Dư nợ ngân hàng khoảng 2 triệu tỷ đồng, thì bất động sản đã chiếm 1 triệu tỷ đồng. Đây là lĩnh vực chôn tiền nhiều nhất, cần phải giải quyết. Nhà cửa làm ra không bán được thì ngành sắt thép, xi măng cũng chôn ở đấy. Chính phủ phải phân tích được tình trạng tồn kho trong bất động sản, phải đưa ra các giải pháp cụ thể để nó chạy, chứ cứ nói tăng cường, đẩy mạnh mà không rõ thì rất khó. Phải có vốn mồi để xử lý nợ xấu (TS. Nguyễn Hoàng Ngân) Phải “chụp cắt lớp”, thanh tra toàn bộ hệ thống nợ xấu, để định lượng được nợ xấu lớn bao nhiêu, chồng chéo thế nào. Sau đó phải đánh giá tài sản thế chấp, cầm cố của khối nợ xấu là bao nhiêu. Hiện việc phát mãi khối tài sản cầm cố này rất khó khăn nên phải có số vốn mồi, ứng trước để “trùm” lại, tách sang một bên, chờ 1-2 năm nữa, khi kinh tế phục hồi sẽ bán để thu hồi vốn ứng. |