Cần hay không "siêu" công ty xử lý nợ xấu?

Việc thành lập một công ty để xứ lý nợ xấu ngân hàng với chi phí dự kiến lên đến 100.000 tỷ đang gây ra nhiều tranh cãi. Dù chưa có gì cụ thể nhưng chắc chắn nếu một công ty mua bán nợ có vốn 100.000 tỷ đồng chỉ để giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thì hẳn là một "siêu" công ty.

Ngay từ khi công bố ý tưởng, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan khác đều nhấn mạnh đến mục tiêu lớn nhất của công ty này là "Xử lý nợ xấu" và đây cũng là yêu cầu lớn nhất để để khơi thông nguồn vốn, ổn định hệ thống ngân hàng.

Nhưng "xử lý nợ xấu" là làm gì? Đó có phải là một sự vụ đặc biệt cần đến một siêu công ty với sự tham gia trên nhiều phương diện của nhà nước hay đây là công việc thường xuyên và là một lĩnh vực kinh doanh mà ngân hàng đã và phải làm.

Thực tế, việc xử lý nợ xấu là một công việc thường xuyên và có một mục đích duy nhất sẽ là: thu hồi tối đa số tiền cho vay. Thông thường, khi xử lý nợ thường có 3 phương pháp cơ bản và các ngân hàng đang thực hiện.

Thứ nhất: phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi vốn.

Đây là phương án khả dĩ nhất, nhanh nhất và truyền thống nhất trong các phương án. Tuy phải "đấu lý" với khách hàng tại tòa án và phải trải qua đủ các bước kiện tụng và chờ thi hành án thì tài sản đảm bảo mới được phát mại thu được tiền về. Trên con đường này, các ngân hàng thường nắm chắc 100% phần thắng vì hợp đồng cầm cố, thế chấp khi cho vay đã quá rõ ràng.

Việc phát mại tài sản thường đem về cho ngân hàng sự đảm bảo thu hồi vốn vì giá trị tài sản đảm bảo thường được định giá thấp hơn giá trị thực. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của các ngân hàng là rất nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản, nên trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng hiện nay thì việc xử lý nợ sẽ khó khăn hơn.

Hiện tại, các Ngân hàng đã thành lập Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc thì nhiệm vụ xử lý các tài sản đảm bảo thường giao cho AMC, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản vì luật không cho phép ngân hàng tham gia thị trường bất động sản.

Thứ hai là tái cơ cấu nợ và hỗ trợ khách hàng để có thể trả nợ.

Đây là biện pháp xử lý tài nợ xấu không mới, nhưng đang được áp dụng ngày càng nhiều hơn và có vẻ nhân đạo hơn. Các ngân hàng thay vì đẩy người dân ra khỏi nhà thì ngồi lại bàn bạc, tái cấu trúc và bàn phương án trả nợ như miễn giảm lãi, miễn giảm các khoản phải chi trả thay vì tịch thu nhà đất, đẩy khách hàng của mình ra đường.

Cách xử lý nợ xấu này ở Việt Nam có lẽ sẽ phù hợp nhiều hơn với các doanh nghiệp. Bản thân ngân hàng khi cho vay cần phải kiểm soát được mục đích và quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng. Khi có dấu hiệu không trả được nợ, họ có đủ tư cách để yêu cầu doanh nghiệp tái cấu trúc, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp không bị đẩy vào bước đường phá sản, xuất hiện thêm cơ hội doanh nghiệp làm mới mình, có khả năng trả nợ trong tương lai.

Ngoài ra, việc biến các khoản nợ thành một phần góp vốn của chủ nợ ở các doanh nghiệp cũng đã được áp dụng khá nhiều. Và thực tế, DN có sự tham gia của ngân hàng đều có một tương lai mới tốt đẹp hơn.

Cái quan trọng nhất của biện pháp này là ngân hàng phải nắm được phương án trả nợ cam kết, cũng như các dự định tiến hành của khách hàng để từ đó kiểm soát được tình hình, tránh nợ xấu thêm,cung cấp các tư vấn tài chính, thậm chí là hỗ trợ khi cần thiết.

Thực tế, Tổng công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Bộ Tài chính (DATC) đã có những"phi vụ" thành công khi xử lý các khoản nợ tồn đọng cho các công ty theo hình thức này. Tuy nhiên, nhược điểm rất lớn của hình thức này chính là thời gian xử lý một món nợ tương đối lâu, nên rất khó để đáp ứng khối lượng nợ xấu hiện tại của ngân hàng thương mại.

Hiện nay, một ý kiến đang gây bất ngờ rất lớn là việc bán các khoản nợ có tài sản đảm bảo cho DATC. Tuy nhiên, bản chất việc xử lý nợ có tài sản đảm bảo thường ngân hàng tự xử lý được, không phải bán đi. Còn biện pháp tái cơ cấu nợ, chuyển nợ thành vốn góp thì sức lực của ngân hàng Việt Nam không đủ, thì có thể bán sang DATC.

Cần hay không "siêu" công ty xử lý nợ xấu? - 1

Một công ty mua bán nợ có vốn 100.000 tỷ đồng thành lập chỉ để giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thì hẳn là một "siêu" công ty.

Và thứ ba là những khoản nợ... chịu không làm gì được.

Các khoản nợ dạng không tài sản đảm bảo, không có khả năng tái cơ cấu để trả nợ được và gần như không thể áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nào cả. Những khoản nợ này thường đã rơi vào nợ nhóm 5 - nợ có nguy cơ mất vốn theo phân loại của NHNN.

Bản thân các ngân hàng đã phải trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ này, rồi tách từ bảng cân đối nội bảng sang ngoại bảng để theo dõi riêng nhằm thu hồi triệt để. Tuy nhiên, việc nợ đã rơi vào nhóm 5, đã xuất sang ngoại bảng thì theo dõi thường cũng không có biện pháp gì thu hồi nợ triệt để và ngân hàng đã bỏ tiền túi của mình ra từ lợi nhuận để bù đắp.

Và sau 5 năm kể từ ngày xử lý rủi ro thì ngân hàng thương mại được phép xuất toán các khoản này khỏi ngoại bảng nếu doanh nghiệp phá sản giải thể, hoặc cá nhân thì chết, mất tích.

Đương nhiên, ngân hàng thương mại sẽ vô cùng phấn khởi khi bán được những khoản nợ này đi.
Cái quan trọng nhất là trong đám nợ xấu của các ngân hàng thương mại, có bao nhiêu phần trăm được phân định vào 1 trong 3 dạng ở trên. Sự minh bạch hay không sẽ nằm ở việc xử lý nợ theo phương án nào trong 3 phương án cơ bản ở trên.

Và bản thân một "siêu AMC" ngay từ khi nó ra đời đã bị đặt nhiều câu hỏi nghi vấn. Được biết, những ý tưởng đầu tiên về việc thành lập "siêu AMC" này đã hình thành từ năm 2001, qua hơn chục năm, 3 đời thống đốc vẫn sẽ tiếp tục còn tranh cãi, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn bất cập, nợ xấu đang gia tăng như hiện nay.

Và tuyên bố của Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ trong cuộc họp báo thường kỳ cũng làm yên tâm phần nào về đề xuất này.

Trong quá trình phát triển bùng nổ thời gian qua, Việt Nam cũng đã từng chứng kiến không ít cái "siêu" từ "siêu" dự án, cho đến "siêu" tập đoàn, công ty... thậm chí, mới đây còn có ý tưởng về một "siêu bộ" để quản lý các DNNN. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều cái "siêu" ầm ĩ ra đời rồi giải tán thầm lặng mà không có hiệu quả nào đáng kể, thậm chí để lại những hậu quả "siêu lỗ".

Vì thế, trong khi trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, pháp luật quản lý còn những điểm chưa rõ ràng thì việc hình thành các "siêu" phải hết sức thận trọng nếu không sẽ mang lại nhiều rủi ro riềm ẩn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Anh Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN