“15 tỷ USD nằm bất động ở vàng”

Mặc dù đã nhiều lần giải trình trực tiếp, hoặc qua văn bản tại các diễn đàn khác nhau, nhưng quản lý thị trường vàng tiếp tục là nội dung trọng tâm trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sáng 13/11, theo định hướng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Vì sao và làm sao xử lý được chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới, huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ nền kinh tế? Những câu hỏi này được nhiều đại biểu tập trung chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Như nhiều lần trả lời vừa qua, Thống đốc Bình tiếp tục nhấn mạnh đến nguyên do thay đổi trong chính sách quản lý thị trường vàng, đặc biệt là về môi trường pháp lý.

Theo ông, trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước biến động, gây ra nhiều biến động kinh tế vĩ mô, thể hiện qua biến động tỷ giá. Chênh lệch giá vàng chỉ cần 400.000 đồng/lượng cũng đã đủ để tạo hiện tượng đầu cơ, buôn lậu lớn.

Nước ta còn nghèo, đổ nhiều mồ hôi để có được một đồng ngoại tệ, lại được dùng cho mục đích như vậy. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, nhập siêu những năm qua rất lớn, tỷ giá biến động như vậy làm đội giá hàng nguyên liệu nhập khẩu, làm đội giá sản phẩm và gây lạm phát cao. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói.

Trước khi Nghị định 24 có hiệu lực (25/5/2012) thì mỗi năm có khoảng 10 - 30 tấn vàng nhập lậu, theo số liệu từ Thống đốc, ứng với khoảng 0,5 - 1,5 tỷ USD. Các đối tượng gom ngoại tệ trên chợ đen, làm tỷ giá chợ đen tăng cao, tỷ giá thị trường chính thức cũng tăng theo, dẫn đến biến động xuất nhập khẩu và gây bất ổn vĩ mô.

“Nước ta còn nghèo, đổ nhiều mồ hôi để có được một đồng ngoại tệ, lại được dùng cho mục đích như vậy. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, nhập siêu những năm qua rất lớn, tỷ giá biến động như vậy làm đội giá hàng nguyên liệu nhập khẩu, làm đội giá sản phẩm và gây lạm phát cao”, Thống đốc nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, vàng không phải là hàng thiết yếu, không phục vụ cho quốc kế dân sinh. Nhưng vì sự ảnh hưởng của nó lớn như vậy buộc lòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trước đây phải cho nhập khẩu bằng con đường chính thức để ổn định giá, để giá sát với thế giới.

Còn nay, thấy rõ những khiếm khuyến trên nên Chính phủ đã có những điều chỉnh. Trước đây thị trường vàng bỏ ngỏ, không ai quản lý; mỗi bộ, mỗi cơ quan chỉ quản lý một khúc. Ngân hàng Nhà nước trước đây chỉ quản lý nhập khẩu vàng nguyên liệu để dập ra vàng miếng. Khi dập ra vàng miếng thì lại được coi là hàng hóa thông thường. Cả nước có trên 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng, các doanh nghiệp trong giấy phép kinh doanh nếu có câu “kinh doanh vàng” do sở kế hoạch đầu tư cấp thì đã có thể kinh doanh vàng. Quản lý như vậy rất bất cập.

“15 tỷ USD nằm bất động ở vàng” - 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn trước Quốc hội, sáng 13/11.

Nghị định 24 ra đời nhằm chấn chỉnh lại thị trường vàng. Nghị định được xây dựng từ năm 2009, nhưng do có quá nhiều đụng chạm nên phải đến năm 2012 mới ban hành, trong đó có quy định quan trọng là nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng.

Cùng với đó là Nghị định 95 về xử phạt hành chính trong kinh doanh vàng, trong đó có hình thức xử phạt bổ sung là sung công quỹ hiện vật, tang vật vi phạm…

Hai văn bản trên đã tạo khung pháp lý, tạo thay đổi quan trọng trong quản lý thị trường vàng. Kết quả đầu tiên là nhập lậu được chặn một cách cơ bản. Từ tháng 4/2012 trở lại đây thị trường ngoại tệ, tỷ giá ổn định, còn chênh lệch với giá vàng quốc tế tăng dần lên 1 - 3 triệu đồng/lượng.

“Nếu trước đây chênh lệch đó mang lại nguồn lợi rất lớn cho người nhập lậu. Nhưng nay không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Trong rổ hàng hóa tính CPI cũng không có vàng, nên không phải là lạm phát tăng lên còn do giá vàng tăng, như một số ý kiến đưa ra”, Thống đốc nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, 300 tấn vàng tương ứng khoảng 15 tỷ USD, nằm bất động ở vàng. Hay chúng ta vẫn thường nói là một nguồn lực bị chôn vùi. 

Ông cũng tái khẳng định quan điểm rằng, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô; nhà nước không cấm kinh doanh vàng như kinh doanh phải có điều kiện, cũng không khuyến khích. “Vàng không thuộc diện bình ổn giá”.

Về giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế, Thống đốc ước tính hiện có khoảng 250 - 400 tấn vàng nằm trong dân, nhưng đó không phải là vàng tự sản xuất ra mà chủ yếu phải bỏ ngoại tệ để nhập về. “300 tấn thì đã có khoảng 15 tỷ USD, nằm bất động ở vàng. Hay chúng ta vẫn thường nói là một nguồn lực bị chôn vùi”, Thống đốc Bình đặt vấn đề.

Để khai thác nguồn lực này, theo ông, trước hết là phải ngăn chặn tình trạng “chôn vùi” đó không tăng lên nữa, không tăng vàng hóa nữa, và phải làm sao cho nó giảm đi, hay như cách nói của một số người là “nung chảy” nó ra thành tiền đồng.

Từ 25/5 - 25/10/2012, Thống đốc cho biết việc thực hiện Nghị định 24 đã có kết quả bước đầu: ngoài việc không ảnh hưởng đến vĩ mô, hệ thống ngân hàng đã mua vào hơn 60 tấn vàng, mỗi tháng mua hơn 7 tấn; đồng nghĩa với một lượng vốn lớn được chuyển đổi để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, nhất là ở mùa cao điểm chi trả quý cuối năm.

Về lượng vàng trên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết chất vấn lại rằng, mua như vậy có phải vốn chuyển đổi để vào sản xuất kinh doanh hay là để trả nợ vàng đã vay của dân? Câu hỏi này rơi vào cuối buổi chất vấn nên chưa rõ Thống đốc có trả lời hay không vào chương trình nối tiếp vào đầu giờ chiều nay.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nếu người dân không bán lại 60 tấn vàng đó, để có vàng trả như giả thiết của đại biểu Tuyết, một là ngân hàng phải bằng mọi giá mua vào và càng gây bất ổn cung - cầu, hai là để tránh bất ổn thì phải cho nhập như trước đây đồng nghĩa với việc “chôn” thêm 60 tấn vàng nữa. Tình huống vay và trả như vậy một lần nữa góp phần giải thích vì sao Ngân hàng Nhà nước xác định ngừng hẳn huy động vàng trong thời gian tới.

Tại sao lại phải liên thông? Liên thông có nghĩa là lại chấp nhận một thị trường đầu cơ và nhập lậu về vàng - cái mà chúng ta đã làm được. Cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới.Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Về yêu cầu liên thông với thị trường thế giới, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phản biện lại rằng: “Tại sao lại phải liên thông? Liên thông có nghĩa là lại chấp nhận một thị trường đầu cơ và nhập lậu về vàng - cái mà chúng ta đã làm được. Cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới”.

Đại biểu Tuyết cho rằng Thống đốc trả lời về quản lý thị trường vàng như vậy là chưa thuyết phục. Ông dẫn lại nghị quyết của Quốc hội năm 2011 là phải đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới, và nay thực tế như vậy thì đã thực hiện hay không?

Thống đốc Bình trả lời bằng việc dẫn ra một thực tế: vì thực hiện yêu cầu của nghị quyết Quốc hội, nên cuối năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã phải cho nhập 15 tấn vàng, ứng với việc phải bỏ ra khoảng 0,7 - 0,8 tỷ USD và nguồn vốn đó lại nằm kẹt trong vàng. Mặt khác, thời điểm đó chưa có Nghị định 24 và giải pháp chính vẫn là cho nhập khẩu. Nay môi trường pháp lý đã thay đổi và cơ quan này kiên quyết không cho nhập một kg vàng nào.

Theo chương trình, đầu giờ chiều 13/11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời chất vấn Quốc hội, mà nội dung dự kiến sẽ tiếp tục xoay quanh vấn đề quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu và chính sách tiền tệ nói chung. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN