Thị trường vàng ngóng giải pháp dài hơi

Các quy định về giao dịch bằng vàng vẫn theo hướng siết chặt hơn theo lộ trình đã được công bố, thế nhưng câu hỏi làm sao để đưa lượng vàng dự trữ khổng lồ trong dân phục vụ phát triển kinh tế vẫn chưa có câu trả lời tối ưu.

Ngày 23/8/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 24/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 của Thống đốc NHNN quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD).

Điểm được bổ sung đó là: trong trường hợp đặc biệt, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện vay và cho vay bằng vàng giữa một số TCTD với nhau. Còn về cơ bản, các quy định cũ vẫn được giữ nguyên bao gồm: TCTD không được thực hiện vay và cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các TCTD khác (kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết); không được gửi vàng tại TCTD khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.

Thị trường vàng ngóng giải pháp dài hơi - 1

Bài toán làm sao để đưa lượng vàng lớn trong dân vào nền kinh tế vẫn chưa có lời giải.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, Thông tư 24 tạo hướng giải quyết cho vấn đề thanh khoản về vàng cho một số TCTD có trạng thái âm vàng thời gian vừa qua.

Trên thực tế trong hoạt động thời gian vừa qua, do khó khăn về thanh khoản nên một số TCTD đẩy mạnh huy động vàng rồi mang lên thị trường liên ngân hàng cầm cố để vay vốn, thậm chí có TCTD còn bán ra để thu tiền đồng. Việc chấm dứt hoàn toàn việc cho vay vàng giữa các TCTD với nhau (theo Thông tư 11) đã có những tác động nhất định cho những TCTD này do thị trường vàng liên tục biến động, khó cân bằng trạng thái vốn bằng vàng của mình.

Mặc dù vậy, TS. Hiếu cũng nhận định, về lâu dài việc chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng là hoàn toàn cần thiết để ngăn ngừa rủi ro cho các TCTD do giá vàng biến động rất bất thường. Hơn nữa, nếu các TCTD không được huy động và cho vay bằng vàng thì cầu về vàng giảm, sẽ dẫn đến giảm nhu cầu nắm giữ vàng miếng trong dân. Còn khi người dân giữ vàng và muốn đảm bảo an toàn sẽ phải lựa chọn việc gửi vào két tại ngân hàng theo hình thức sử dụng dịch vụ và mất phí.

“Đây là một biện pháp tức thời để xử lý tình huống nhưng về lâu dài, việc cho phép các giao dịch vàng qua các NHTM là không hợp lý, bởi NHTM truyền thống chức năng giao dịch trên tiền mặt chứ không giao dịch trên kim loại quý trong đó có vàng. Vàng chỉ là một công cụ đảm bảo giá trị của đồng tiền và tất cả các hàng hóa khác”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia kinh tế, đặc thù lịch sử ở Việt Nam, vàng có giá trị như một phương tiện thanh toán tại thời điểm nhất định, nhưng hiện tại, vàng không còn là phương tiện thanh toán trong các giao dịch. Hơn thế, đồng tiền được bảo đảm bằng uy tín của quốc gia, trong khi vàng không được chính phủ cam kết ưu tiên bình ổn, hỗ trợ giá; do đó, giá vàng do thị trường quyết định. Vì vậy, rủi ro sẽ đến khi giá trị của vàng lên, xuống và bất thường nên khó kiểm soát hơn tiền mặt. Nhưng quan trọng hơn cả, ngân hàng không phải là đối tác của thị trường hàng hóa nên về nguyên tắc, ngân hàng không nên giao dịch cũng như cho vay bằng vàng.

Tất nhiên, đó là về mặt lý luận, còn thực tế do thói quen và đặc thù văn hóa truyền thống, người dân Việt Nam vẫn coi vàng là tài sản tích trữ và bảo toàn giá trị. Bởi vậy, đến thời điểm hiện nay, vàng dự trữ trong dân rất lớn, một số đánh giá đã ước tính số lượng vàng trong dân vào khoảng 500 tấn.

Việc cấm các TCTD huy động và cho vay vàng có thể lãng phí một nguồn lực tài chính rất lớn trong khi nền kinh tế đang cần nguồn vốn giá rẻ để ổn định và phát triển sản xuất nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Do đó, về lâu dài việc cho phép các giao dịch vàng qua các NHTM cần phải xiết chặt, nhưng đồng thời cần sớm triển khai được đề án huy động vàng trong dân cũng như đưa ra những ứng xử phù hợp với thị trường vàng.

Theo lãnh đạo một ngân hàng tại TP. HCM, hoàn toàn có thể chuyển đổi vàng thành vốn giá rẻ phục vụ nền kinh tế đang khát vốn hiện nay. Cụ thể, các ngân hàng sẽ huy động vàng trong dân cư với lãi suất khoảng 0,4%/năm. Sau đó, NHNN phát hành tín phiếu hay trái phiếu huy động số lượng vàng từ các NHTM với lãi suất 0,5%/năm và dùng số vàng này hoán đổi sang ngoại tệ ở thị trường quốc tế với lãi suất trung bình khoảng 1%/năm.

Với số vàng ước khoảng 100 tấn mà các NHTM đang huy động hiện nay, nếu mang cầm cố theo cách nói trên, cũng mang về khoảng 5 tỷ USD. Còn tính số vàng nằm trong dân với số lượng từ 300 - 500 tấn như nói trên, số vốn mang về lên tới 15 - 25 tỷ USD. Như vậy, chúng ta sẽ có một số vốn cực lớn với giá rẻ để phục vụ nhu cầu vốn trong nước.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhuệ Mẫn (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN