Vì sao đái tháo đường ngày càng trẻ hóa?

Gần đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đái tháo đường trẻ tuổi.

Nếu như trước đây, đái tháo đường là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, thì trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc đái tháo đường đang tăng một cách chóng mặt và ngày càng trẻ hóa.

Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30, thậm chí là tuổi vị thành niên đã mắc đái tháo đường mà không hay biết.

Khoa Thận tiết niệu – Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận một ca bệnh đái tháo đường type 2 chỉ mới 16 tuổi. Bệnh nhân P.T .T (16 tuổi) – Hà Nội có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày thì đi khám tại bệnh viện huyện và được chẩn đoán mắc đái tháo đường. Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân được điều trị thuốc uống 7 ngày nhưng đường huyết chưa ổn định nên đã chuyển lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bác sĩ thăm khám cho cô gái trẻ mắc đái tháo đường.

Bác sĩ thăm khám cho cô gái trẻ mắc đái tháo đường.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân được thăm khám và kết luận: mắc đái tháo đường – rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (bệnh nhân cao 1m70 và nặng 90kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang. Tiền sử gia đình bệnh nhân có bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường.

Qua khai thác bệnh sử thì bệnh nhân có thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, chiên rán, ít vận động và ngồi tĩnh tại hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, bệnh nhân tăng cân nhanh bất thường.

Sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân đã hết các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đường huyết đã ổn định và đã giảm được 3kg. Bác sỹ điều trị cũng đã hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường luyện tập thể lực để cải thiện cân nặng; hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị bệnh đái tháo đường – rối loạn chuyển hóa đang gặp phải của bệnh nhân.

TS. BS Lâm Mỹ Hạnh, Phó khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đái tháo đường type 2 trước đây thường được biết đến là căn bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện.

Người trẻ mắc bệnh đái tháo đường nhiều vì thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh.

Cũng theo bác sĩ, các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ thường là:

- Có thể trạng thừa cân, béo phì.

- Có yếu tố gia đình, có thành viên trong nhà như bố, mẹ, anh em mắc đái tháo đường.

- Có lối sống tĩnh tại, lười vận động và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, giàu năng lượng.

- Đối với nữ giới trẻ tuổi, nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, để kiểm soát được tình trạng bệnh cần lưu ý:

- Thực hiện đúng chỉ định của bác sỹ, dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian để đạt được HbA1c mục tiêu.

- Cần kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất đường, chứa hàm lượng chất béo bão hòa và mỡ cao. Nên tham khảo và tư vấn chế độ ăn của bác sỹ/chuyên gia dinh dưỡng.

- Cần theo dõi đường huyết thường xuyên để có kế hoạch kiểm soát đường máu.

- Cần tăng cường vận động, luyện tập ít nhất 30 phút/ngày; với người thừa cân béo phì cần luyện tập nhiều hơn. Cần tư vấn của bác sĩ và chuyên gia để có kế hoạch luyện tập phù hợp và hiệu quả.

Nguồn: [Link nguồn]

Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 nhưng không quản lý bệnh, không kiểm soát đường huyết, thấy chân tê bì đã dùng túi chườm bàn chân dẫn tới bị bỏng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh tiểu đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN