Vật vã trở về từ cõi chết vì viêm tụy cấp

Sự kiện: Sống khỏe

Chủ quan với viêm tụy cấp, không ít người trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp hiện chủ yếu do rượu và tăng mỡ máu…

Vật vã trở về từ cõi chết vì viêm tụy cấp - 1

Bệnh nhân điều trị viêm tụy cấp hoại tử nặng với biến chứng suy đa tạng tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai

Khó lường với viêm tụy cấp

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai (Hà Nội), nằm trên giường bệnh, dù gương mặt có chút sắc khí, nhưng anh Phạm Văn D. (Vĩnh Phúc) nói năng còn mệt mỏi và chưa thể tự mình đi lại, vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, được thoát khỏi đám dây dợ, máy móc hỗ trợ từ hô hấp đến lọc máu, lọc thận…, chuyển sang nằm ở “chiến tuyến 2”, với anh D. đã là “thoát khỏi cửa tử một cách ngoạn mục”.

Nhập viện trong tình trạng đau bụng vật vã đến mức không thế cất nổi chân tay, nôn thốc tháo tất thảy những gì có trong bụng, anh D. vẫn chỉ nghĩ chắc cơn đau dạ dày hành hạ mà không ngờ đó là cơn đau báo hiệu viêm tụy cấp.

Với các dấu hiệu đau bụng vùng thượng vị liên tục, dữ dội kéo dài nhiều giờ, nôn, bí trung đại tiện, không đi ngoài, bụng chướng và đầy tức khó chịu... bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh lý viêm tụy cấp kịp thời.

Chị Nguyễn Thị H. (vợ anh D.) chia sẻ: “Khi nhập viện, thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán chồng tôi viêm tụy cấp, có dấu hiệu hoại tử, suy đa tạng và tức tốc chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu. 10 ngày qua chứng kiến anh ấy thập tử nhất sinh, sự sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, gia đình chỉ biết hi vọng một phép màu”.

Khi được bác sĩ cho hay, nguyên nhân dẫn đến viêm tụy cấp hoại tử phần nhiều do rượu, chị H. bộc bạch thêm, chồng chị làm thợ xây, “chén chú, chén anh” thường xuyên, không ít ngày trở về nhà trong tình trạng say xỉn. Một ngày trước khi nhập viện, anh D. đã tham gia cuộc liên hoan họp mặt lớp cấp 3 kéo dài cả ngày rồi về nhà với cơn đau cấp. “Giờ em xin chừa, nhất định không uống rượu nữa”, anh D. thì thào trả lời câu hỏi: “Mai ra viện rồi, anh còn tiếp tục uống rượu nữa hay không?” của bác sĩ điều trị.

Chưa may mắn trọn vẹn như anh D., anh Nguyễn Quý N. (Phú Thọ) vẫn đang nằm điều trị trong “chiến tuyến 1” để giành giật lại sự sống, cơ thể vẫn nhằng nhịt máy móc hỗ trợ hô hấp, lọc máu, lọc thận. Dù đã trải qua 1 tuần nguy kịch nhất và đang dần tỉnh táo nhưng anh N. cũng chỉ thều thào với những lời nói ngắn yếu ớt và lắc hoặc gật trước những câu hỏi của bác sĩ điều trị.

Bệnh nhân N. được chuyển cấp cứu từ bệnh viện tuyến dưới với chẩn đoán ban đầu viêm tụy cấp hoại tử rất nặng. Khi nhập viện, tụy của bệnh nhân hỏng gần hết, tụt huyết áp, suy hô hấp, suy thận và hôn mê, rối loạn đông máu. Sau một tuần đầu nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, bệnh tình của anh N. có tiến triển. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của bệnh lý viêm tụy cấp, các bác sĩ vẫn chỉ dám tiên lượng dè dặt với tỷ lệ sống chỉ 50%.

Người nhà anh N. cho hay, bệnh nhân nghiện rượu và thuốc lá từ nhiều năm nay. Đây là lần thứ 2 bệnh nhân nhập viện do viêm tụy cấp. Lần thứ nhất, may mắn thoát cửa tử, bệnh nhân có kiêng cữ rượu, nhưng chỉ một thời gian “đâu lại vào đó”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, GS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ: Trước đây, viêm tụy cấp chủ yếu do sỏi mật, giun chui ống mật, sỏi tụy… Đến nay, bệnh chủ yếu do uống quá nhiều rượu bia, hoặc tăng mỡ máu. Tại Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai thời điểm hiện có 41 bệnh nhân, thì 6 bệnh nhân bị viêm tụy cấp.

Căn bệnh hoàn toàn có thể phòng được

Theo giải thích của BS. Bình, khi bị viêm tụy cấp, tụy sẽ bị phù lên. Trường hợp nặng tụy nhanh chóng bị hoại tử và lan rộng dẫn đến biến chứng sốc và suy đa tạng rất nhanh. Các bệnh viện tuyến dưới cũng có thể chẩn đoán được viêm tụy cấp qua siêu âm, hoặc qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính. Tuy nhiên, bệnh nhân phải được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

“Các trường hợp nhẹ hầu hết bệnh nhân qua được. Thế nhưng thể nặng đặc biệt khi hoại tử tụy lan rộng thì ngay cả ở các nước phát triển tỉ lệ tử vong vẫn lên tới 30% cho dù được áp dụng các kỹ thuật hồi sức hiện đại, với sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa từ nội khoa, hồi sức, gây mê, phẫu thuật, đến dinh dưỡng... Do diễn tiến của viêm tụy cấp rất khó lường nên tiên lượng cho các bệnh nhân thể hoại tử đã có biến chứng sốc và suy đa tạng hết sức dè dặt”, ông Bình cho hay.

Theo số liệu của ngành Y tế, khoảng 80% viêm tụy cấp có nguyên nhân, 20% không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do 2 nguyên nhân rượu và mỡ máu lại tăng rất nhanh, chiếm tới 70% số ca nhập viện.

“Với lối sống mà nhiều người trẻ hiện nay duy trì như thói quen uống rượu bia quá nhiều, ăn uống vô tội vạ lại lười vận động, một bước lên xe…, ngày càng có nhiều người bị viêm tụy cấp không phải là chuyện lạ. Cách phòng tránh căn bệnh này rất đơn giản là thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống và tập thể lực điều độ, đặc biệt là nên nói không với rượu và thuốc lá. Nói thì đơn giản nhưng để nhận thức và thay đổi thói quen lại không hề dễ. Chưa đối mặt “thập tử nhất sinh” với viêm tụy cấp hoại tử, nhiều người vẫn chủ quan, coi thường chính mạng sống của mình”, ông Bình khuyến cáo.

Viêm tuỵ cấp khiến thanh niên 20 tuổi tử vong ở BV Chợ Rẫy nguy hiểm cỡ nào?

Trong số khoảng 132.000 người tử vong vì viêm tuỵ cấp và mãn tính trên thế giới, có 10-15% là do viêm tuỵ cấp. Riêng với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN