Ung thư vú: Đừng vội cắt bỏ “núi đôi”

Sự kiện: Ung thư

Ung thư vú có thể chữa khỏi, vấn đề là biết cách tầm soát để phát hiện bệnh sớm.

Ung thư vú có gien di truyền với tỉ lệ mắc rất cao, vì thế không ít phụ nữ băn khoăn về việc có nên đi cắt “núi đôi” để phòng ngừa ung thư.

Mang gien chưa chắc đã bị bệnh

Ung thư vú hiện đang trở thành loại bệnh thường gặp ở nữ giới và được dự báo có xu hướng tiếp tục tăng. Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư vú cao nhất với tỉ lệ 30/100.000 người tại Hà Nội và 20/100.000 người tại TP HCM. Theo bác sĩ Lê Hồng Quang, Phó trưởng Khoa Ngoại vú (Bệnh viện K Trung ương), có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư mà đột biến gien BRCA (gien gây ung thư vú) chỉ là một trong những căn nguyên của ung thư vú. “Bệnh viện đã từng tiến hành xét nghiệm cho gần 300 phụ nữ bị ung thư vú nhưng chỉ phát hiện 2 bệnh nhân mang gien BRCA. Điều đó cho thấy gien BRCA cũng rất hiếm gặp” - bác sĩ Quang nói.

Ung thư vú: Đừng vội cắt bỏ “núi đôi” - 1

Một ca phẫu thuật ung thư vú

Bác sĩ Quang cho biết sau sự kiện minh tinh màn bạc lừng danh Angelina Jolie quyết định cắt bỏ toàn bộ hai bên vú để ngăn ngừa ung thư, cũng có không ít chị em quan tâm đến vấn đề này. “Trên thực tế nếu phát hiện mang gien BRCA1 và BRCA2 thì nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng có thể lên tới hơn 80%. Đây cũng là gien có khả năng di truyền từ mẹ sang con nên phụ nữ nào có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư mà phát hiện gien này thì khả năng mắc ung thư rất cao. Tuy vậy, không phải cứ mang gien là chắc chắn bị ung thư” - bác sĩ Quang nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Quang, tại Bệnh viện K chưa có bệnh nhân nào cắt ngực để ngừa ung thư. Thậm chí, một bệnh nhân (nhiều tuổi, đã có con) đang điều trị ung thư vú, sau khi xét nghiệm đã tìm thấy gien BRCA. Tuy nhiên, khi được bác sĩ tư vấn nên cắt bỏ bên ngực còn lại và buồng trứng để tránh nguy cơ ung thư cả hai bộ phận này, bệnh nhân không đồng ý. Sau đó 1 năm, bên ngực còn lại của bệnh nhân lại xuất hiện u cục, phải nhập viện điều trị. Đến lúc này, bệnh nhân mới đồng ý cắt nốt bên ngực và cả buồng trứng.

Cắt ngực chưa hẳn loại bỏ hoàn toàn ung thư

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, trên thế giới có nhiều người phẫu thuật cắt bỏ ngực để dự phòng ung thư vú khi phát hiện gien mang bệnh. Tuy nhiên như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý phụ nữ. “Đáng lưu tâm là cắt tuyến vú không hẳn đã loại bỏ hoàn toàn ung thư do khối u vẫn có thể phát triển ở phần vú còn lại mà phẫu thuật chưa cắt hết. Ngoài ra, gien BRCA không những là gien có nguy cơ cao gây ra bệnh ung thư vú mà còn có thể gây ra ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng nên không thể cắt toàn bộ tạng để ngừa ung thư” - TS Thuấn nhấn mạnh.

Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam, ở nước ta, bệnh nhân ung thư vú ngày càng trẻ. Tại Khoa Ngoại vú (Bệnh viện K) ước tính có khoảng 15%- 20% phụ nữ dưới 30 tuổi bị ung thư vú. Một trong những nguy cơ bị ung thư vú là do tiền sử gia đình, do đó với những phụ nữ có người thân  mang gien BRCA hoặc bản thân bị ung thư vú một bên nên tầm soát sớm để theo dõi, điều trị đúng quy trình chứ không nhất thiết phải cắt bỏ tuyến vú bởi phương pháp cắt và tạo hình ngực rất tốn kém.

GS Đức cho rằng để phòng ngừa ung thư, bất kỳ phụ nữ nào từ 20 tuổi trở lên cũng nên quan tâm đến việc khám vú định kỳ 6 tháng/lần và đi khám ngay khi thấy vùng vú có những biểu hiện bất thường. Các kỹ thuật chẩn đoán y khoa hiện nay ở Việt Nam có siêu âm, chụp X-quang nhũ ảnh, cuối cùng là sinh thiết để tìm ra tế bào ung thư.

Ung thư vú là bệnh có khả năng điều trị và chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư. Việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. “Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh lên đến 90% nhưng ở giai đoạn 4, khi khối u ác tính lớn và di căn thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Trường hợp được phát hiện sớm, khối u chưa quá to, các bác sĩ có thể phẫu thuật lấy khối u, phần mô ngực và da ngực vẫn được bảo tồn để bảo đảm tính thẩm mỹ cho phụ nữ ” - GS Đức nói.

Các yếu tố dễ bị ung thu

Tuổi càng cao thì nguy cơ ung thư vú càng tăng, cao nhất là ở tuổi 50-60. Nếu đã mắc ung thư vú một bên thì bên còn lại cũng có nguy cơ mắc cao. Một số vấn đề về sức khỏe sinh sản: Có con muộn hay không đẻ, dậy thì sớm (trước tuổi 12), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), dùng thuốc tránh thai hoặc dùng nội tiết thay thế kéo dài ở tuổi mãn kinh... đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Phụ nữ có đột biến gien BRCA nên được tầm soát ung thư vú thường xuyên hơn. Phụ nữ từ 20 tuổi nên tự khám vú hằng tháng. Từ 25 tuổi nên khám vú 2-3 lần/năm do nhân viên y tế thực hiện và chụp nhũ ảnh 1năm/lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC DUNG (Người lao động)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN