Ung thư vú đe dọa phụ nữ trẻ

Sự kiện: Ung thư

Ung thư vú là bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi, song gần đây, căn bệnh này đã tấn công những cô gái trẻ chỉ mới mười chín, đôi mươi.

Tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, nếu năm 2010 chỉ phát hiện 1 ca ung thư vú ở tuổi 24 thì đến năm 2012, con số này là 24, trong đó nhiều chị em chỉ mới 19-20 tuổi.

Bệnh diễn tiến âm thầm

Chị C.V (ngụ Đồng Nai) dù mới 22 tuổi nhưng đã phải gác lại bao dự định vì căn bệnh ung thư vú. Làm chuyên viên PR cho một tập đoàn nước ngoài, chưa lập gia đình, giờ đây V. phải khóc thầm do sự chủ quan của mình. Kể cho bác sĩ nghe về căn bệnh khởi phát, V. cho biết lúc đầu sờ thấy một u nhỏ trong ngực cỡ hạt đậu phộng nhưng nghĩ là bình thường nên không quan tâm, đến khi cái u phát triển, V. mới nghĩ đến việc đi khám.

Tại bệnh viện, sau khi làm các chẩn đoán, xét nghiệm, bác sĩ xác định V. bị ung thư vú giai đoạn 3. Chị phải trải qua đợt phẫu thuật bảo tồn vú! Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nhiều người bệnh thường không biết thời kỳ khởi phát ung thư rất im lìm, tưởng hiền lành mà lại rất hiểm.

Ung thư vú đe dọa phụ nữ trẻ - 1

Hiệu quả điều trị ung thư vú sẽ cao nếu bệnh được phát hiện sớm. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM

TS-BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cho biết cách đây 10 năm, mỗi tháng bệnh viện chỉ có khoảng 100 trường hợp đến điều trị ung thư vú nhưng hiện nay, con số này tăng gấp 3 lần (gần 300 trường hợp/tháng). Ung thư vú thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi trên 55, tuy nhiên xu hướng trẻ hóa bệnh nhân là thực tế đáng lo ngại. “Trong 15 năm trở lại đây, số ca mắc ung thư vú liên tục tăng nhanh, vượt qua ung thư cổ tử cung để xếp thứ nhất trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ” - BS Dũng nhấn mạnh.

Người bệnh trẻ dễ tử vong hơn

Theo Hội Ung thư Việt Nam, xu hướng mắc bệnh ung thư vú không những tăng ở Việt Nam mà ở hầu hết trên thế giới. Mỗi năm, toàn cầu có khoảng 14,1 triệu người mắc bệnh ung thư và 8,2 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 12.000 ca mắc với hơn 4.000 người tử vong, chiếm 20% trong tổng số các loại bệnh ung thư. Phần lớn người bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám, chữa bệnh ở giai đoạn muộn và rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, ngay cả với bệnh nhân có BHYT. Ung thư vú hiện đang đứng ở hàng thứ nhất về suất độ và đứng thứ ba về tử vong. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm (giai đoạn 1), khả năng điều trị khỏi có thể đạt tới 80%-90%. Nếu phát hiện trễ, tỉ lệ điều trị khỏi là rất thấp (dưới 20%).

Giới chuyên môn cho biết tỉ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi thấp hơn so với bệnh nhân ung thư vú lớn tuổi ở bất kỳ giai đoạn nào. Tỉ lệ sống còn 5 năm là 58% ở tuổi 20 đến 24, bệnh nhân trên 40 tuổi là 76%; ở giai đoạn di căn, tỉ lệ sống còn của phụ nữ trẻ gần như bằng 0% trong khi phụ nữ trên 40 tuổi là 27%.

Dẫn ra những tác nhân gây bệnh, PGS Paul Mainwaring, chuyên gia ung thư đến từ Úc, cho rằng ở xã hội công nghiệp phát triển, lối sống thay đổi, ít vận động…  khiến con người đứng trước nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư. “Phụ nữ cần tập thói quen vận động, ăn uống hợp lý, nếu phát hiện bệnh sớm thì việc điều trị sẽ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, do ít hiểu biết về bệnh, người bệnh thường đến bệnh viện quá muộn nên hiệu quả điều trị hạn chế” - ông lưu ý.

Dấu hiệu nhận biết

Theo các chuyên gia, ung thư giai đoạn sớm thường không gây đau đớn. Cần lưu ý dấu hiệu ung thư vú: Có một cục hoặc một chỗ dày lên ở trong vú hay trong nách; có sự thay đổi hình dáng của vú; chất dịch tiết ra ở núm vú hoặc núm vú thụt vào; thay đổi ở da vú, quầng vú, núm vú (đỏ, sưng, ngứa). Cần đến bác sĩ ngay khi thấy bất cứ triệu chứng nào kể trên. Phụ nữ hễ sờ nắn trong vú thấy có một cục, dù không đau hoặc hơi đau cũng nên đi khám ngay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN THẠNH (Người lao động)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN