Ung thư thận và những lưu ý trong ăn uống

Sự kiện: Ung thư

Ung thư thận cũng hay gặp ở Việt Nam. Người bệnh cần được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống cũng cần được đặc biệt quan tâm.

Ung thư thận là một loại ung thư khởi phát từ các tế bào trong thận. Hai loại phổ biến nhất của ung thư thận là ung thư biểu mô tế bào thận (RCC) và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (TCC) của bể thận. Những tên gọi này là tên các loại tế bào mà từ đó ung thư phát triển.

Các loại khác nhau của ung thư thận tiến triển theo những cách khác nhau, có nghĩa là các loại ung thư này sẽ có kết quả sống thêm khác nhau, và cần phải được xếp loại giai đoạn và điều trị theo những cách khác nhau. Ung thư biểu mô tế bào thận chiếm khoảng 80% ung thư thận nguyên phát và ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp chiếm phần lớn số ca còn lại. Tỷ lệ sống 5 năm tại Hoa Kỳ là 73%.

Nguyên nhân gây ung thư thận

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thận như: Hút thuốc lá (có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh), thường xuyên sử dụng các thuốc chống viêm  như ibuprofen và naproxen, béo phì, gen bị lỗi, tiền sử gia đình có người mắc ung thư thận, có bệnh thận cần phải lọc máu, nhiễm viêm gan siêu vi C, trước đó từng được điều trị bệnh ung thư tinh hoàn hoặc ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác có thể gây nguy cơ mắc bệnh như sỏi thận và tăng huyết áp cũng đang được nghiên cứu.

Ung thư thận và những lưu ý trong ăn uống - 1

Khối ung thư ở thận.

Triệu chứng của bệnh

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thận phổ biến nhất là một khối ở vùng bụng và/hoặc có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu). Các triệu chứng khác có thể bao gồm mệt mỏi, chán ăn, giảm cân, sốt cao và ra nhiều mồ hôi, đau dai dẳng ở bụng. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng này cũng có thể do một nguyên nhân khác gây nên, hoặc người bệnh không có dấu hiệu gì, nhất là ở thời kỳ đầu của bệnh.

Chẩn đoán có khó?

Ngày nay với sự phát triển của y học và khám sức khỏe định kỳ, ung thư thận thường được phát hiện tình cờ qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Một số bệnh nhân đến khám vì nổi khối vùng bụng, đau thắt lưng và đái máu.

Các xét nghiệm cận lâm sàng: Siêu âm, chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ để xác định vị trí và kích thước khối u, mức độ xâm lấn vào tổ chức xung quanh.

Xét nghiệm máu: Đánh giá công thức máu, chức năng gan thận, đông máu.

Chỉ định sinh thiết đối với khối u nhỏ hơn 3cm hoặc hình ảnh học nghi ngờ về chẩn đoán.

Hằng năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư, khoảng 80% bị sụt cân và 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Tuy nhiên rất ít khi người bệnh được đề cập đến chế độ dinh dưỡng thế nào cho hợp lý.

Các phương pháp điều trị

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ u là phương pháp điều trị chính trong ung thư tế bào thận. Có hai phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư thận là cắt thận bán phần và cắt thận toàn bộ kèm vét hạch hệ thống và lấy bỏ hết tổ chức mỡ quanh thận. Có thể mổ mở, mổ nội soi hay mổ nội soi robot.

Đối với u có gây huyết khối thì lấy bỏ huyết khối.

Đối với bệnh nhân ung thư tế bào thận giai đoạn di căn thì chỉ định cắt khối u tiên phát vẫn được đặt ra kết hợp với phẫu thuật tổn thương di căn hoặc phẫu thuật khối di căn với mục đích điều trị triệu chứng nếu thể trạng bệnh nhân cho phép.

Điều trị bổ trợ

Xạ trị: Năng lượng cao được đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư và giảm thiểu triệu chứng đau khi bệnh đã di căn vào xương. Máy chiếu xạ sẽ hướng tia xạ vào vùng bị bệnh để điều trị kết hợp bảo vệ các mô lành khỏi sự tấn công của khối u. Song song với đó, các bác sĩ sẽ đưa các loại thuốc hóa trị vào cơ thể để chống lại tế bào ung thư và ngăn cản sự tái phát của chúng.

Hóa trị: Hóa trị không thường được sử dụng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào thận. Tuy nhiên, nó có thể sử dụng để điều trị ung thư tế bào chuyển tiếp - bệnh ung thư của niệu quản đôi khi bắt đầu trong thận. Phương pháp hóa trị có thể được sử dụng trước khi tiến hành phẫu thuật để thu nhỏ khối u, làm cho việc loại bỏ dễ dàng hơn hoặc sử dụng để điều trị các tế bào ung thư di căn đến các phần xa của cơ thể.

Liệu pháp sinh học

Là một dạng điều trị tăng cường khả năng kháng ung thư tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch). Interleukin-2 và interferon là hai loại thuốc sử dụng trong liệu pháp sinh học để điều trị ung thư thận giai đoạn muộn. Các thử nghiệm lâm sàng tiếp tục nghiên cứu các phương pháp tốt hơn để tiến hành liệu pháp sinh học đồng thời có thể giảm được tác dụng phụ. Nhiều bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp sinh học cần nằm viện trong thời gian điều trị để có thể theo dõi được các tác dụng phụ này.

Chăm sóc giảm nhẹ

Nguyên tắc điều trị là phối hợp đa mô thức gồm phẫu thuật giải phóng chèn ép, xạ trị giảm đau, xạ trị chống chèn ép, chăm sóc triệu chứng. Điều trị bằng thuốc giảm đau, chăm sóc tâm lý và các điều trị nội khoa khác (tăng cường dinh dưỡng, chống thiếu máu...).

Ung thư thận và những lưu ý trong ăn uống - 2

Người bệnh ung thư thận nên ăn nhiều rau quả, ít đạm.

Ăn uống như thế nào?

Theo thống kê hàng năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân chết vì ung thư, khoảng 80% bị sụt cân và 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Tuy nhiên rất ít khi người bệnh được đề cập đến chế độ dinh dưỡng thế nào cho hợp lý. Để đảm bảo các chất dinh dưỡng, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ các thực phẩm thuộc các nhóm chất đạm, bột, béo, vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, đối với mỗi bệnh sẽ được áp dụng một chế độ ăn uống riêng. Mặc dù chế độ ăn uống không có tác dụng điều trị bệnh nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phục hồi, tăng cường sức khoẻ, chống chọi với bệnh tật. Dưới đây là một số lời khuyên về dinh dưỡng cho những bệnh nhân ung thư thận:

Đối với bệnh nhân ung thư thận cần tăng cường chất bột đường từ mật ong, khoai lang, bột sắn dây, miến dong…

Chất béo: Nên sử dụng 30-35g/ngày.

Chất đạm: Tuỳ thuộc vào cân nặng của người bệnh mà giảm chất đạm. Nên sử dụng đạm có nguồn gốc từ động vật như cá, trứng, sữa…

Các loại rau quả: Nên dùng các loại rau quả ít đạm, nên dùng các quả ngọt, hàm lượng kali thấp.

Người ung thu thận nên kiêng hẳn các loại dưa, cà, mắm tôm, cá mắm, rượu, bia… Trong quá trình chế biến đồ ăn cho bệnh nhân ung thư thận nên hạn chế  muối, mì chính, nên dùng 1 thìa nước mắm mỗi ngày.

Về nước uống, bệnh nhân ung thư thận nên dùng nước đun sôi để nguội, nước rau luộc, nước hoa quả (cam, quýt). Lượng nước uống mỗi ngày bằng lượng nước tiểu cộng thêm 200-300ml.

Những thực phẩm nên hạn chế: Các phủ tạng động vật như tim, bầu dục, gan, óc…;  Không nên sử dụng những loại chất béo từ động vật.

Phòng ngừa bệnh

Nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả sau:

Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia.

Tăng cường vận động cơ thể thông qua các bài tập thể dục nhẹ nhàng.

Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng dưỡng chất, tăng cường rau xanh, trái cây.

Không tự ý dùng thuốc điều trị bệnh.

Sử dụng thêm các loại thảo dược tốt cho thận như trà xanh, nấm linh chi, tam thất.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung chị em cần biết

Các triệu chứng ung thư cổ tử cung không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy, nhưng nếu phát hiện sớm có thể giúp điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS. Bùi Xuân Nội ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN