Từ vụ hàng trăm học sinh bị ngộ độc: Những ai dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella?

Biểu hiện nhiễm vi khuẩn Salmonella là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt..., có thể khởi phát 1-3 ngày sau nhiễm.

Mới đây, vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh Trường Tiểu học - THCS – THPT Ischool Nha Trang khiến hàng trăm học sinh và giáo viên phải nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong.

Tối 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) cho thấy tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella.

Trường iSchool Nha Trang, nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: NLĐ)

Trường iSchool Nha Trang, nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: NLĐ)

Biểu hiện nhiễm độc là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt

PGS.TS Trịnh Thị Xuân Hoà – Bộ môn Truyền nhiễm (Học viện Quân y 103) cho biết, Salmonella là loại khuẩn thường gặp nhất trong các nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Vi khuẩn này gặp khắp nơi trên thế giới, nhất là các nước nhiệt đới.

Biểu hiện nhiễm độc là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt..., có thể khởi phát 1-3 ngày sau nhiễm. Trong đó, triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Nếu bệnh nhân không nhập viện bù điện giải kịp thời sẽ dễ co giật, biến chứng. Một số trường hợp có thể nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng.

Theo Bộ Y tế, khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2-3 tháng sau khi hết các triệu chứng.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước 2 đến 3 tuần, trong phân 2 đến 3 tháng. Trong nước đá, Salmonella sống được 2 đến 3 tháng. Chúng bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng 1 giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, hoặc có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2-3 tuần; hoặc 2 đến 3 tháng ở 2-20% người nhiễm.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, hay gặp ở trẻ nhỏ, người già có sức đề kháng yếu.

- Những người không có axid dạ dày do cắt dạ dày hoặc dạ dày thiểu toan thường dễ mắc bệnh.

- Những người bị suy giảm miễn dịch (do bẩm sinh hoặc do những bệnh ở đường tiêu hóa như ung thư­, viêm đại trực tràng xuất huyết, xơ gan… ) dễ mắc các thể nặng như­: Nhiễm khuẩn huyết, ổ mủ ở các phủ tạng…

Để phòng tránh nhiễm khuẩn, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người ăn chín uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn, nên ngâm rau bằng thuốc tím. Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp.

Vi khuẩn Salmonella có khắp mọi nơi

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vi khuẩn Salmonella có khắp mọi nơi và có thể nhiễm gần như bất cứ loại thức ăn nào. Sự lây truyền bệnh có thể xảy ra do phân người hay phân súc vật tiếp cận với thực phẩm trong quá trình chế biến hay thu hoạch.

Nó có thể dễ dàng lây nhiễm vào các loại thực phẩm như thịt, cá, sữa... Đặc biệt, trứng là một trong những thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm loại vi khuẩn này.

Với trứng gà, người Việt hay có thói quen không rửa vỏ trứng vì sợ trứng "ung". Khi chế biến đồ ăn, có thể thấy nhiều bà nội trợ cứ thế đập trứng dù trên vỏ trứng còn rất nhiều các đốm lem nhem của phân khô, nên không chỉ có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella mà còn có thể nhiễm cả các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác.

Khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella với số lượng nhiều, khuẩn này sẽ gây nhiễm trùng đường ruột (phổ biến và nguy hiểm nhất), từ đó xâm nhập vào trong cơ thể.

Thường khoảng sau 6h đồng hồ khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn này, người bệnh có biểu hiện nôn, tiêu chảy, đặc biệt là sốt cao.

Những trường hợp mà số lượng vi trùng lớn, độc lực cao có thể thâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu, tấn công vào các cơ quan khác trong cơ thể và nếu không được điều trị, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Bộ Y tế khuyến cáo trong trường hợp có biểu hiện nôn, sốt, tiêu chảy người bệnh nên tới bệnh viện để được điều trị. Căn bệnh này rất hiệu quả với một số kháng sinh đặc trị. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người bệnh thường vào viện muộn, nên nguy cơ biến chứng rất cao, như các biến chứng đường tiêu hóa: xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột… và có thể có nhiều biến chứng toàn thân khác, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Trước đó, tối 21/11, ông Nguyễn Trọng Khoa, phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, để hỗ trợ xử trí vụ ngộ độc hàng loạt của học sinh tại Trường iSchool Nha Trang, Bộ Y tế đã cử nhóm chuyên gia vào  Khánh Hòa.

Đoàn công tác của Bộ Y tế gồm đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục An toàn thực phẩm. Phái bệnh viện có TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc và các chuyên gia về Truyền nhiễm và Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tham gia hỗ trợ.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa tập trung mọi nguồn lực để theo dõi, xử trí kịp thời diễn biến của các ca ngộ độc, tổ chức hội chẩn trực tuyến xin ý kiến Bệnh viện Bạch Mai đối với những ca bệnh có diễn biến tăng nặng, nguy kịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Y tế vào cuộc vụ hàng trăm học sinh và giáo viên ngộ độc thực phẩm

Ngày 21/11, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh Trường Tiểu học...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÀ ANH ([Tên nguồn])
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN