Tử vong, mù lòa vì uống rượu giả dịp Tết

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong dịp Tết Nguyên đán có 2 bệnh nhân ngộ độc rượu nặng, gia đình xin đưa về, 1 người bị hôn mê, biến chứng mờ mắt.

Tử vong, mù lòa vì uống rượu giả dịp Tết - 1

Bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện trong mấy ngày Tết

Chết do uống rượu không rõ nguồn gốc

Trao đổi với phóng viên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày Tết, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng đột biến, có ngày 4 bệnh nhân nhập viện. Đặc biệt có 2 bệnh nhân ngộ độc rượu nặng, gia đình xin về chờ chết, 1 người bị hôn mê, biến chứng mờ mắt.

Đáng chú ý là trường hợp một bệnh nhân sinh năm 1970 ở Hưng Yên, uống rượu ở nhiều nơi bị co giật đưa đến viện cấp cứu. Bệnh nhân bị hôn mê, huyết áp tụt. Do sức khỏe không cải thiện nên gia đình xin về.

Bác sĩ Nguyên cho biết, qua xét nghiệm máu cho thấy, hàm lượng cồn công nghiệp trong máu bệnh nhân vượt quá nhiều lần cho phép.

Cũng trong những ngày Tết, một bệnh nhân sinh năm 1949 uống rượu không rõ nguồn gốc. Qua xét nghiệm rượu có chứa cồn công nghiệp nên diễn biến rất nặng, gia đình cũng đành xin về.

May hơn 2 bệnh nhân trên, một trường hợp ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc sinh năm 1966 mua rượu ở quán uống liền 3 ngày Tết sau đó có biểu hiện mệt, không ăn, không uống. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu, các bác sĩ dùng thuốc trợ tim mạch, dùng thuốc giải độc. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn bị biến chứng mờ mắt do ngộ độc rượu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, methanol là một chất cồn, một số thương lái đã dùng chất này hòa tan với nước theo tỉ lệ nhất định để tạo ra rượu bán cho người tiêu dùng (hay còn gọi là rượu giả, rượu bẩn).

Rượu này uống vẫn có độ cồn, vẫn tạo cảm giác say, nếu uống nhiều sẽ gây hậu quả khôn lường, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.

Do đó, để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp bác sĩ Nguyên đề xuất “Nên đưa các cơ sở sản xuất rượu truyền thống vào quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy người uống vào chỗ chết”.

Bác sĩ Nguyên cũng lo ngại xu hướng gia tăng ngộ độc rượu trong những ngày tân niên, lễ hội sắp tới, khi mà mọi người tụ họp, uống rượu nhiều mừng tân xuân. Nhất là những cuộc nhậu ngoài hàng quán nếu không kiểm soát được nguồn rượu, uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp nguy cơ ngộ độc rượu là rất lớn.

Tử vong, mù lòa vì uống rượu giả dịp Tết - 2

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về ca bệnh ngộ độc do uống phải rượu giả

Cách nhận biết rượu chứa methanol độc hại

ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế đã thông tin hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt rượu có methanol để phòng tránh.

Bà Nga cho biết, uống rượu là một trong những thói quen của người Việt Nam trong mỗi dịp tết đến xuân về. Do đó, người dân nên sử dụng rượu bia ở chừng mực nhất định, không nên lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và trật tự an ninh xã hội.

Để nhận biết rượu có chứa methanol, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì rất khó nhận biết. Tuy nhiên, trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật (rượu do người dân tự nấu) hoặc rượu giả (rượu dùng methanol hòa với nước) là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.

Theo đó, nếu nhìn cảm quan bên ngoài, người tiêu dùng nên mua những loại rượu có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu...

Ngoài ra, có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là rượu tốt. Khi nếm, rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt so với rượu tốt.

“Còn một cách có thể áp dụng khá chính xác là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt” – Bà Nga nói.

Bà Nga khuyến cáo, người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Ngộ độc rượu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN