Trĩu nặng lo âu từ vắc xin Quinvaxem

Vì sao sinh mạng trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước - lại phải trông chờ vào may rủi từ nguồn vaccin viện trợ và đã gây ra nhiều sự bất an?

Vụ việc trẻ tử vong ngay sau tiêm vaccin Quinvaxem ngày 24.11 càng làm “tràn ly” lo lắng của người dân khi đi tiêm chủng cho con trẻ, cho dù Bộ Y tế đã nhiều lần trấn an, cam đoan về chất lượng vaccin này...

Tử vong ngay sau tiêm

Về vụ việc bé gái 5 tháng tuổi tử vong sau tiêm Quinvaxem 4 giờ, ngày 26.11, TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Chương trình tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam đã lập tức vào cuộc phối hợp với Sở Y tế Bạc Liêu điều tra nguyên nhân để có kết luận cuối cùng.

Theo TS Phu, báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu trước đó cho biết, trường hợp tử vong sau tiêm chủng là bé gái 5 tháng tuổi (trú tại xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Bé được tiêm vaccin Quinvaxem mũi 1 lúc 7 giờ 30 phút ngày 24.11 tại Trạm Y tế xã Hưng Phú. Sau khi tiêm 4 giờ, bé bị tím tái, được gia đình đưa đến Trạm Y tế Vĩnh Thanh, sau đó được chuyển ngay đến Bệnh viện huyện Phước Long. Tại bệnh viện, bé được xử trí cấp cứu, điều trị tích cực nhưng không qua khỏi và tử vong lúc 15 giờ 30 ngày 24.11.

Trĩu nặng lo âu từ vắc xin Quinvaxem - 1

Trẻ em được tiêm chủng vaccin Quinvaxem tại Hà Nội tháng 11.2013

Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, lô vaccin mà trẻ tử vong được tiêm là vaccin tài trợ của Liên minh toàn cầu về vaccin (GAVI), do UNICEF mua và nhập vào Việt Nam tháng 8.2013 (lô vaccin sản xuất năm 2.2013 và hết hạn sử dụng tháng 2.2016). Lô vaccin này đã được Viện Kiểm định vaccin và sinh phẩm Bộ Y tế kiểm định cho kết quả an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và lô vaccin này cũng đã được tiêm cho khoảng 250.000 trẻ ở các tỉnh khác

“Dựa trên thông tin hiện có, tôi không nghĩ đến nguyên nhân do chất lượng vaccin hay chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Tuy nhiên không loại trừ nguyên nhân do cơ địa của trẻ dị ứng với thành phần của vaccin (nếu đúng thì tỉ lệ là 1 trường hợp /400.000, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 20 trường hợp/1 triệu liều của WHO), hay do trùng hợp ngẫu nhiện với tình trạng bệnh lý khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng vaccin” – TS Hiển cho biết.

Nước nghèo nên dùng vaccin cũ

Đối với vaccin Quinvaxem 5 trong 1 của Hàn Quốc, GS Nguyễn Trần Hiển cho biết, vaccin Quinvaxem đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO. Đây là loại vaccin toàn tế bào thế hệ cũ (dùng xác vi khuẩn ho gà làm vaccin) do đó dễ gây ra các phản ứng sốc phản vệ hơn các vaccin vô bào thế hệ mới hiện nay. Tuy nhiên, vaccin Quivaxem có giá thành thấp khoảng 20.000 đồng/liều, trong khi vaccin vô bào của Mỹ, Bỉ có giá tới gần 700.000 đồng/mũi.

Trong khi dư luận vẫn hoang mang với Quinvaxem, TS Phu vẫn khẳng định, các phản ứng trong đợt “tái tiêm Quivaxem” vẫn thấp hơn tỉ lệ của Tổ chức Y tế thế giới. Trong tổng số hơn 400.000 liều Quinvaxem tiêm từ tháng 10 đến nay, tỉ lệ phản ứng sau tiêm sưng, nóng đỏ đau là 0,034%, sốt cao là 0,187%, tím tái là 0,032%, khó thở là 0,011%, co giật là 0,023%.

Về một số đề xuất thay thế vaccin thế hệ mới để an toàn hơn, TS Trần Hiển cho biết, GAVI viện trợ bằng vaccin nên không thể “thêm tiền” để mua vaccin khác. Đồng thời, nếu từ chối không nhận vaccin Quinvaxem đồng nghĩa với việc hàng triệu trẻ em Việt Nam sẽ không có vaccin để ngăn ngừa các bệnh hiểm nghèo. Trong khi giá của vaccin thế hệ mới lại quá cao, khó có thể đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là vấn đề đã được bàn cãi nhiều, và cuối cùng Bộ Y tế vẫn quyết định nhận vaccin thế hệ cũ.

PGS-TS Đỗ Sỹ Hiển – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về sức khỏe cộng đồng nhận định rằng, việc dùng vaccin Quivaxem nữa hay không cần phải bàn bạc thận trọng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay tại nước sản xuất Hàn Quốc cũng đã không sử dụng vaccin này và dùng vaccin vô bào. Có thể do nước ta còn nghèo nên phải chấp nhận. Đối với ý kiến cho rằng kết quả kiểm nghiệm vaccin vẫn an toàn, ông Đỗ Sỹ Hiển cũng cho rằng, nếu theo tiêu chuẩn của vaccin thế hệ cũ thì vẫn đạt, nhưng tiêu chuẩn vaccin hiện đại thì đã khác lâu rồi.

Trong khi đó, công bố mới nhất của Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, nguồn ngân sách dành cho tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi có thể bị cắt giảm gần 50%, từ 240 tỷ đồng trong năm 2013 giảm còn 144 tỷ đồng trong năm 2014. Do đó, thời gian tới, rất có thể trẻ em sẽ bị cắt giảm mũi DPT phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván (mũi 4) cho khoảng 1,5 triệu trẻ 18 tháng tuổi; dừng tiêm sởi mũi 2 cho 1,5 triệu trẻ 18 tháng tuổi; giảm 70% số trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản B. Ngoài ra cũng sẽ phải tạm ngừng triển khai uống vaccin tả, vaccin thương hàn. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn.

Và dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao sinh mạng trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước - lại bị “coi nhẹ”, trông chờ vào may rủi từ nguồn vaccin viện trợ và đã gây ra nhiều sự bất an?

Hơn 90 nướcđang sử dụng vaccin Quinvaxem

Quinvaxem bắt đầu được sử dụng từ năm 2006 và đến nay đã có hơn 90 quốc gia, với hơn 400 triệu liều vaccin tiêm được dùng. WHO từng khuyến cáo vaccin Quinvaxem có thể gây ra phản ứng hạn chế như sốt hoặc phản ứng cục bộ như viêm tại chỗ tiêm trong một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh được tiêm phòng. Trong một báo cáo của WHO cho biết, vaccin Quinvaxem sản xuất tại Ấn Độ đã gây ra tử vong cho một số trẻ em ở Sri Lanka, Bhutan và Pakistan. Còn Hàn Quốc đã tạm dừng sử dụng vaccin này sau khi các chuyên gia y tế cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm năng cho trẻ em.

Hạ Anh (tổng hợp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN