Tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3 cần lưu ý điều gì?

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Sở Y tế TP HCM vừa đề xuất tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và người có nguy cơ cao vào 2 tháng cuối năm 2021

Theo PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, việc xem xét tiêm ngừa mũi tăng cường (mũi 3) cho người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc người làm việc ở môi trường nguy cơ vào thời gian 6 tháng sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản (2 mũi đầu) là hợp lý nếu có đủ vắc-xin.

Tăng khả năng bảo vệ

Hiện trên thế giới, một số nước đã triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 3 để tăng khả năng bảo vệ con người trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Thủ Đức, TP HCM

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Thủ Đức, TP HCM

PGS Đỗ Văn Dũng cho biết một số nghiên cứu đã ghi nhận tỉ lệ kháng thể ở người đã được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ giảm phân nửa sau 108 ngày (khoảng 15 tuần). Sau khi tiêm vắc-xin khoảng 4-6 tháng, lúc đó kháng thể giảm và nếu bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 sẽ có thể mắc bệnh nhưng không bị bệnh nặng.

Dù bệnh không nặng nhưng do các virus đã sinh sản trong cơ thể nên có thể lây bệnh cho người khác, vì vậy sẽ tăng khả năng lây lan. Trừ những người cao tuổi hoặc bị bệnh nền khiến hệ miễn dịch kém thì hiệu quả bảo vệ của vắc-xin sẽ giúp không bị bệnh nặng, không tử vong ít nhất là trong vòng 6 tháng đầu tiên.

"Nghiên cứu cho thấy có thể tiêm vắc-xin tăng cường (mũi 3) cùng loại vắc-xin cơ bản (mũi 1 và mũi 2) như vắc-xin Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Tuy nhiên, do tiên liệu việc cung ứng vắc-xin có thể khó khăn và dựa trên các lý thuyết miễn dịch, hiện một số nhà khoa học đã thăm dò khả năng sử dụng loại vắc-xin khác để tiêm mũi tăng cường" - PGS Đỗ Văn Dũng cho hay.

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược TP HCM kiêm Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) - cho biết trước đó, nếu tiêm 2 mũi đầu là vắc-xin AstraZeneca hoặc vắc-xin khác loại được phép tiêm thì có thể tiêm Moderna hoặc Pfizer. Ví dụ, mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 Pfizer hoặc mũi 1 Moderna mũi 2 Pfizer thì mũi 3 cũng có thể tiêm chéo 2 loại vắc-xin này (vì hiện được phép tiêm trộn 2 loại này).

Tiêm mũi 3 là cần thiết

"Thông tin đáng chú ý về việc tiêm vắc-xin cho người cao tuổi tại Israel mới đây như sau: số người đã được tiêm trong tháng 1 và tháng 7-2021, theo đó những người được tiêm vắc-xin vào tháng 1 có nguy cơ bị bệnh nặng gấp đôi so với người được tiêm gần đây. Điều này cho thấy việc tiêm mũi 3 ở người cao tuổi sau 4 - 6 tháng là cần thiết" - PGS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Tuy nhiên, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng việc tiêm vắc-xin mũi 3 tăng cường cũng nên quan tâm đến tính sẵn có. Nếu ở các địa phương trong cả nước còn nhiều người cao tuổi chưa được tiêm mũi 2 thì nên ưu tiên phân bổ vắc-xin cho những đối tượng này trước, sau đó mới tiến hành tiêm mũi 3 cho người cao tuổi, người có nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu tại TP HCM.

Theo PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm mũi 3 vắc-xin COVID-19 sẽ là những phản ứng phổ biến như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy, các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc.

Bên cạnh các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm cũng cần được khám sàng lọc tương tự 2 mũi tiêm trước. Các điểm tiêm phải bố trí để bảo đảm giãn cách, sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể (dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm).

"Về nhà cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế" - PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên tư vấn. 

PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng với người cao tuổi, người mắc bệnh nền thì hiệu lực vắc-xin phòng diễn tiến nặng khi mắc COVID-19 sẽ giảm theo thời gian; ở những trường hợp sử dụng vắc-xin có hiệu lực thấp dẫn đến khả năng duy trì miễn dịch kém. Vì vậy, những đối tượng này nên được ưu tiên tiêm vắc-xin mũi 3.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiêm 2 mũi AstraZeneca cách tới hơn 3 tháng, có nên tiêm dặm mũi 3?

Bạn đọc Nguyễn Ly (TP HCM) hỏi: "Tôi tiêm mũi 2 AstraZeneca rất trễ, cách nhau hơn 3 tháng (khoảng 15-16 tuần) nên lo kháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bài và ảnh: HẢI YẾN ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN