Thủy đậu vào mùa: Chủ quan là mất mạng

Bác sĩ tử vong do bệnh thủy đậu (trái rạ) ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, một thanh niên bị lây bệnh từ người thân nhập viện và một sĩ quan đội khoẻ mạnh cũng bị mắc bệnh rồi biến chứng nặng.

Suýt chết vì thủy đậu

Ngày 8/1, chị Lâm Thanh Xuân, vợ anh Lại Ngọc Tuấn (40 tuổi, sĩ quan quân đội ở quận 9, TPHCM) đang điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Bộ Quốc phòng 175 cho hay: "Anh Tuấn bị bệnh thủy đậu gần tháng nay, giờ nhìn thế này là đỡ lắm, chứ hôm mới nhập viện cứ tưởng là anh ấy không qua được. Bệnh gây biến chứng toàn thân, khuôn mặt biến dạng, mắt mờ, miệng thì chảy máu với dãi ra liên tục. May mắn, anh ấy đã thoát khỏi tay thần chết và đang dần hồi phục".

ThS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, bệnh nhân Ngọc Tuấn là một trong những ca bị bệnh trái rạ nặng hiếm gặp. Biến chứng gây viêm loét giác mạc, họng thì gặp nhiều nhưng bị viêm loét giác mạc cả hai mắt, niêm mạc miệng, lưỡi, họng, hậu môn, bao quy đầu thì ít gặp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị sốt cao, rét run, nhiễm trùng, ban phỏng nước nhiều độ tuổi, dày đặc khắp người. Do tình trạng bệnh nhân nặng và diễn tiến nhanh nên bệnh viện đã phải hội chẩn liên chuyên khoa nhiễm, mắt, tai mũi họng và bỏng để có phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Thủy đậu vào mùa: Chủ quan là mất mạng - 1

Khuôn mặt bị biến chứng viêm loét giác mạc, niêm mạc miệng... của bệnh nhân Lại Ngọc Tuấn.

Người lớn thường chủ quan

Chị Thanh Xuân chia sẻ thêm, chồng chị là bộ đội, nhưng đóng quân gần nhà nên thường về nhà. Chị và hai con nhỏ thì đã tiêm ngừa bệnh thủy đậu nên không hề hấn gì, trong khi anh chưa tiêm ngừa vì nghĩ rằng bệnh này trẻ con mới hay bị chứ người lớn không sao.

Ca tử vong ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thì cả hai vợ chồng đều là bác sĩ (ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Bệnh nhân nhập viện lúc 2 giờ sáng ngày 26/12  vào Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực - Chống  độc người lớn với chẩn đoán suy gan, thủy đậu, viêm phổi nặng và sốc nhiễm trùng. Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân sốt cao từ ngày thứ 1 - 4, nổi nhiều nốt đậu (bóng nước) toàn thân. Đến ngày thứ 5 bệnh nhân đau thượng vị, nôn ói, sau đó nhập viện Bệnh viện  FV có men gan tăng và X-quang cho thấy thâm nhiễm phổi 2 đáy nên sang ngày hôm sau bệnh nhân trở nên nguy kịch chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tại đây, bệnh nhân được thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh, kháng siêu vi, hồi sức cấp cứu tuần hoàn 3 lần không hiệu quả và bệnh nhân tử vong ngày 27/12.

Trường hợp khác là anh Phùng Thanh Phan (23 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM lúc 16h50 ngày 2/1 sốt, gồng người, nốt thủy đậu. Mẹ anh cho biết, trước đó 4 ngày anh bị sốt, nổi trái rạ toàn thân. Sau đó, do đau tức ngực quá, sốt và gồng cứng tay chân nên đến khám và nhập viện. Trước đó, trong gia đình có 4 người bị bệnh trái rạ nhưng chủ quan nên bị lây.

Nên chủ động tiêm ngừa

ThS.BS Phạm Văn Bình chia sẻ, thủy đậu là bệnh lây nhiễm lành tính, rất thường gặp, xảy ra ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, trẻ em nhiều hơn người lớn nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan... Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này. Một số người vẫn có thể mắc bệnh lần thứ hai và lần này thường gặp là bệnh zona.

TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự Phòng TPHCM cho biết, trong năm 2012, TPHCM có 340 ca điều trị nội trú do bệnh thủy đậu, trong đó có một ca tử vong. Khi có triệu chứng phát ban, nổi bóng nước, người bệnh phải nghỉ ngơi cho đến khi các mụn nước khô vảy hoàn toàn. Không sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt với người bệnh, tiếp xúc phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng. Phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối không tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh nơi ở của bệnh nhân hằng ngày bằng nước Javel hoặc dung dịch cloramin B.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh thủy đậu có thể lây lan qua đường hô hấp do người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của người bệnh. Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với quần áo hoặc vải trải giường, dịch tiết từ bóng nước của người bệnh... Tất cả các trẻ em trên 12 tháng tuổi hoặc người lớn đều nên tiêm ngừa thủy đậu. Những phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ chưa được chủng ngừa lúc nhỏ đều phải tiêm ngừa trước khi quyết định có thai ít nhất 3 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Hương (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN