Thứ trưởng Bộ Y tế: Đột quỵ đang xảy ra nhiều ở những người trẻ tuổi

Sự kiện: Sống khỏe

“Số bệnh nhân đột quỵ tại nước ta gia tăng hàng năm, đặc biệt khoảng 1/3 số ca bệnh xảy ra ở độ tuổi trẻ 40-45 tuổi, gọi là đột quỵ sớm”, Thứ trưởng Sơn nói.

Tại lễ thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đột quỵ hiện nay đang trở thành vấn đề tâm điểm của y học thế giới. Hằng năm, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bệnh đột quỵ mới mắc, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba, gây tàn phế đứng hàng thứ nhất.

Điều đáng sợ là bên cạnh các bệnh lý không lây nhiễm gây đột quỵ như tăng huyết áp, xơ vữa thành mạch, đái tháo đường… thì những thói quen xấu như hút thuốc, rượu bia… là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ đột quỵ ở Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đột quỵ đang xảy ra nhiều ở những người trẻ tuổi - 1

“Số bệnh nhân đột quỵ tại nước ta gia tăng hàng năm, đặc biệt khoảng 1/3 số ca bệnh xảy ra ở độ tuổi trẻ 40-45 tuổi, gọi là đột quỵ sớm”, Thứ trưởng Sơn nói.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và điều trị cho khoảng 6.000-8.000 người bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, hiện nay người bệnh chưa được điều trị tập trung, nằm rải rác tại nhiều khoa, phòng trong bệnh viện. Do đó, không tập trung được nguồn lực và chưa thống nhất chung được quy trình điều trị nên chưa đạt được hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ.

“Với phương châm “thời gian là não”, việc thực hiện điều trị người bệnh đột quỵ cần nhanh chóng bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiêu huyết khối trong 4 - 5 giờ đầu”, PGS Tôn nhấn mạnh.

Đồng thời, người bệnh cần được phối hợp các chuyên khoa để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân đột quỵ nặng cũng cần phải được hồi sức thần kinh, thực hiện các thủ thuật cấp cứu tại giường. Người bệnh đột quỵ cũng cần được tập phục hồi chức năng sớm ngay giai đoạn cấp. Các chiến lược giáo dục, dự phòng tái phát đối với người bệnh cũng rất quan trọng.

Cũng theo các chuyên gia, lâu nay nhiều người hiểu sai việc bệnh nhân đột quỵ không được vận động tức là không di chuyển. Vì thế cứ để bệnh nhân nằm yên một chỗ, khiến bệnh càng nặng. Thực tế, không để bệnh nhân vận động nhưng có thể di chuyển khi họ nằm trên cáng, trên ô tô. Trong khi đợi xe cấp cứu, tránh làm tổn thương nặng thêm bằng việc cho người bệnh nằm đầu cao, lưng nghiêng 45 độ so với cơ thể, để khi bệnh nhân bị nôn, đờm dãi sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp.

Để nhận biết, đánh giá và xử trí ban đầu rất quan trọng. Cách nhận biết dấu hiệu cơn đột quỵ sắp tới đó là các dấu hiệu khó nói, khó uống nước, mắt mờ, liệt nửa người bên trái hoặc bên phải, không giơ tay lên được.

Để xác định dấu hiệu đúng của đột quỵ, những người xung quanh chỉ cần dành 1 phút chú ý và hỏi người bệnh ba từ: nói – cười – chào.

Nói: Nếu đứng trước người có biểu hiện của cơn đột quỵ bạn hãy bảo người đó nói. Nếu nói ngọng, khó nói, hoặc không nói được là dấu hiệu báo cơn đột quỵ.

Cười: Khi cười người sắp đột quỵ có dấu hiệu méo mồm và cười nhìn dấu hiệu này rõ hơn.

Chào: Hãy nói người đó giơ tay chào, nếu không giơ được tay là dấu hiệu cơn đột quỵ. Chỉ cần hỏi người đó và chú ý chỉ trong 1 phút ta có thể nhận ra dấu hiệu sớm của cơn đột quỵ.

Khi thấy dấu hiệu chính xác, người xung quanh nên gọi điện cho 115 để được cấp cứu thay vì tự sơ cứu.

Nguồn: [Link nguồn]

Chỉ cần 1 phút để phát hiện người thân của bạn có dấu hiệu đột quỵ hay không

Nếu quan sát, chỉ trong một phút bạn sẽ nhận biết được dấu hiệu đột quỵ và đưa người thân đi cấp cứu trong thời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN