Chưa đến 30 tuổi đã đột quỵ não, bác sĩ chỉ rõ các dấu hiệu sớm

Sự kiện: Đột quỵ

Người trẻ không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi.

Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nữ, 29 tuổi, được chuyển đến từ bệnh viện tuyến trước.

Theo bác sĩ, bệnh nhân vào viện trong tình trạng ý thức chậm, liệt hoàn toàn nửa người phải. Bệnh nhân ngay lập tức được chụp phim cắt lớp vi tính não và mạch não, kết quả phát hiện chảy máu não vùng thái dương, tràn máu vào trong não thất, mạch máu não không phát hiện tổn thương.

Bệnh nhân nữ bị đột quỵ não.

Bệnh nhân nữ bị đột quỵ não.

Bác sĩ Trung tâm Đột quỵ não nhận định đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp và rối loạn chức năng đông máu. Mặt khác dựa vào hình thái và vị trí chảy máu não có thể xác định bệnh nhân có dị dạng thông động tĩnh mạch não.

Vì vậy song song với quá trình điều trị tích cực, bệnh nhân đã được chụp DSA (Digital Subtraction Angiography). Điều này đã giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị triệt để nguyên nhân gây chảy máu não, phòng tránh nguy cơ tái phát đột quỵ não.

Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân ra viện, tự đi lại vận động được.

Những bệnh nhân đột quỵ chảy máu não trẻ tuổi, không có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn đông chảy máu cần được chụp mạch não để tìm nguyên nhân gây bệnh. Chẩn đoán nguyên nhân gây chảy máu não là hết sức cần thiết nhằm điều trị triệt để căn nguyên, tránh chảy máu tái phát.

Theo các chuyên gia, đột quỵ thường được xác định là một trong hai dạng là đột quỵ thiếu máu não (nguyên nhân do tắc nghẽn một động mạch) và đột quỵ chảy máu não (nguyên nhân do rách thành động mạch gây ra máu chảy vào trong nhu mô não hay não thất, khoang dưới nhện xung quanh não- chảy máu màng não).

Các dấu hiệu của đột quỵ não

Theo BS Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu…

Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó …). Đây là việc làm hết sức nguy hiểm.

Đột quỵ não là căn bệnh không chừa một ai và dù ở độ tuổi thấp người trẻ cũng hoàn toàn không miễn nhiễm với đột quỵ.

Đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch và ung thư và nguyên nhân hàng đầu để lại di chứng tàn tật. Chẩn đoán và điều trị sớm đột quỵ não là vấn đề rất quan trọng, nó góp phần giảm thiểu tử vong và tàn tật.

Những dấu hiệu sau đây của đột quỵ: Đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể; Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói; Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên; Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Dấu hiệu ‘đột quỵ’ dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác

Theo BS. Vũ Trí Thanh - Phó trưởng cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đột quỵ có thể phòng ngừa lẫn cứu sống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN