Thủ phạm gây xuất huyết tiêu hoá khiến người phụ nữ ở Hà Nội chỉ còn 1% sự sống

Sự kiện: Ung thư

Cách đây 3 tháng, người phụ nữ chán ăn, sút cân, đại tiện phân đen, thể trạng suy kiệt, mệt mỏi.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa thông tin phẫu thuật thành công khối u lympho ruột non cho bệnh nhân N.T.L (71 tuổi, ở Hà Nội) chỉ còn 1% cơ hội sống.

Nữ bệnh nhân có tiền sử u lympho tế bào B đã phẫu thuật cắt đoạn ruột và điều trị hóa chất nhiều đợt tại một bệnh viện ở Singapore từ năm 2015.

Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. 

Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. 

Từ cuối tháng 7/2022, bệnh nhân chán ăn, sút cân, đại tiện phân đen, thể trạng suy kiệt, mệt mỏi. Lúc này, bệnh nhân được gia đình đưa quay trở lại Singapore. Tuy nhiên, bác sĩ điều trị đánh giá, giai đoạn bệnh đã quá nặng, khuyên gia đình nên đưa bệnh nhân về Việt Nam.

Ngay khi trở lại Việt Nam, xe cấp cứu đón bệnh nhân đưa đến một bệnh viện tư điều trị. Qua một tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân không tiến triển, xuất huyết ngày càng nặng, tiên lượng xấu, bệnh viện tư vấn cho gia đình đưa bệnh nhân về nhà chăm sóc.

Bệnh nhân vào khoa Ung bướu bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng rất nặng: Thể trạng gầy, suy kiệt, da xanh tái, mạch nhanh, nhỏ, HA giao động, đại tiện phân đen liên tục, huyết sắc tố còn 50g/l (bình thường 140-150g/l). Các bác sĩ đã tích cực truyền máu, nâng cao thể trạng và tìm nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa. Sau khi xác định khối u lympho tái phát ở ruột non gây chảy máu, hội chẩn với các bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa và gây mê hồi sức, bệnh nhân được lên lịch phẫu thuật để xử lý nguyên nhân chảy máu.

BS CKII Bùi Đức Duy, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, nhận định đây là trường hợp bệnh phức tạp, bệnh nhân đã có mổ cũ, thể trạng bệnh nhân suy kiệt, ung thư đã điều trị nhiều năm, xuất huyết rất nặng do khối u tái phát ở ruột non, sa lồi thành bụng do mổ cũ.

Tiên lượng ca mổ vô cùng khó khăn. Bệnh nhân thiếu máu, viêm phổi, dính do mổ cũ, do u tái phát xâm lấn các tạng, mạch máu… Tuy nhiên nếu không mổ, tình trạng chảy máu càng trầm trọng và bệnh nhân sẽ không qua khỏi.

Ca phẫu thuật thực hiện trong hơn 3 giờ đồng hồ. Tổn thương phức tạp gồm khối u ruột non lớn 5x6 cm là nguyên nhân chính gây chảy máu, xâm lấn 1 quai ruột non bên cạnh gây thủng và xâm lấn đáy bàng quang, thành bụng sa lồi và dính ruột do mổ cũ. Đoạn ruột non 50cm chứa khối u và quai ruột bị thủng đã được cắt đi, gỡ dính do mổ cũ, phục hồi lại thành bụng sa lồi.

Sau mổ, tiên lượng bệnh nhân đối diện với nhiều nguy cơ do bệnh cảnh quá nặng nề, bác sĩ 5 khoa liên tục hội chẩn, theo dõi sát sao, điều trị tích cực. Sau mổ ngày thứ 10, bệnh nhân có thể tự ngồi được, ăn uống tốt, đại tiện bình thường, không còn tình trạng chảy máu và được xuất viện.

Nguồn: [Link nguồn]

Người bị bệnh ung thư đường tiêu hóa cần biết nguyên tắc ăn uống này

Với người bệnh đang điều trị, không nên kiêng khem nghiêm ngặt, tránh việc không đủ năng lượng, dinh dưỡng hàng ngày gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÀ ANH ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN