Sưng, đau, đỏ ở tinh hoàn là triệu chứng của bệnh gì?

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cảnh báo, nam giới sưng nóng, đỏ, đau ở bìu, khi đi lại và khi bị đụng chạm là dấu hiệu của bệnh.

Sưng, đau, đỏ ở tinh hoàn là triệu chứng của bệnh gì? - 1

Bác sĩ Hưng cho biết, nam giới phải thận trọng khi nhận thấy các triệu chứng sốt cao, tinh hoàn sưng to, cứng, rất đau, có thể sờ thấy tình trạng mào tinh hoàn viêm thành khối, tách biệt với tinh hoàn, hoặc không thể phân biệt được đâu là tinh hoàn và đâu là mào tinh hoàn. Ngoài ra, hạch bẹn có thể nổi và sưng đau, đi tiểu có cảm giác buốt nhẹ và nóng dát dọc ống đái, dịch tiết ở lỗ sáo, tinh dịch có máu.

Trường hợp viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn do lao thường có diễn biến từ từ với các biểu hiện: sưng to tinh hoàn nhưng đau tức ít, sờ thấy tinh hoàn và mào tinh có khối rắn gồ ghề, nhiều hình thái, có thể thấy khối ap-xe (mủ) trắng mềm giống bã đậu ngay bề mặt da bìu.

Trong trường hợp này, bác sĩ Hưng khuyến cáo tuyệt đối không được chích rạch ap-xe tháo mủ, khi chưa loại trừ các xét nghiệm về lao bởi cho dù tổn thương ở tinh hoàn và mào tinh hoàn có trầm trọng và lổn nhổn đến đâu thì cũng sẽ hồi phục gần như hoàn toàn về chức năng sinh tinh và hình thể cấu trúc sau điều trị lao bằng thuốc, còn trường hợp trích rạch trong lao sẽ để lại hậu quả tắc nghẽn các ông dẫn tinh gây vô sinh.

Theo Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn là tình trạng viêm xảy ra ở tinh hoàn và mào tinh hoàn.

Quý ông có thể bị một bên hoặc cả hai bên, thường gặp một bên hơn, nguyên nhân gây viêm do nhiều tác nhân: Virus, vi khuẩn, nấm, lao…

Viêm tinh hoàn và mào tinh do virus phổ biến là virus quai bị, loại virus này có ái lực rất mạnh với tế bào dòng tinh nên thường để lại nhiều hậu quả như teo các ống sinh tinh, teo tinh hoàn đặc biệt là khi bị mắc vào độ tuổi dậy thì và sau dậy thì.

Ngoài ra các vi khuẩn lây truyền qua đường tinh dục như lậu, Chlamydia cũng thường gặp. Viêm tinh hoàn thường đi kèm với những trường hợp viêm mào tinh hoàn, viêm tiền liệt tuyến.

Kết hợp với các kết quả xét nghiệm và siêu âm cũng như tiền sử, diễn biến của bệnh, ta có thể chấn đoán được nguyên nhân viêm tinh hoàn là gì.

Đặc biệt, trong bệnh lý quai bị, nếu có biến chứng tinh hoàn tức, sưng đau ở tuổi dậy thì hoặc lớn hơn, nên cân nhắc trữ lạnh tinh trùng ngay.

“Theo ý kiến cá nhân của tôi, nếu bị quai bị ở nam thanh niên chưa có gia đình, có sưng đau tinh hoàn cả hai bên thì người bệnh nên trữ lạnh tinh trùng ngay, bởi trong lúc này lứa tinh trùng trưởng thành chưa bị xâm hại, hậu quả gây vô sinh (teo tinh hoàn) của quai bị sẽ chỉ có thể biết được sau khoảng 3-6 tháng, không ai dám chắc là trường hợp nào không bị teo và trường hợp nào sẽ bị teo”, bác sĩ Hưng nói.

Để dự phòng bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Hưng khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị, tình dục an toàn, chữa dứt điểm và triệt để đối với các trường hợp bị viêm đường tiết niệu, sinh dục, các trường hợp bệnh lây nhiễm qua đường tinh dục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN