Sữa nhiễm khuẩn: Sản phẩm bánh kẹo không liên quan

Đó là khẳng định của ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trước sự lo lắng của người dân với các sản phẩm khác liên quan đến sữa.

“Hiện mặt hàng sữa nhiễm khuẩn đã thu hồi được tới 95% trên thị trường. Với các mặt hàng xách tay, người dân cũng cần lưu tâm không nên mua hàng không rõ nguồn gốc”, ông Trung cảnh báo.

Các cửa hàng “sạch” sữa bẩn

Một số đại lý sữa trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) cho biết, cửa hàng của họ không có số lô sữa Similac GainPlus Eye-Q mới (số 3, dành cho trẻ 1-3 tuổi, chỉ loại hộp 400g và 900g) mà nhà phân phối thu hồi trong những ngày qua. Tuy nhiên, do thông tin về sữa nhiễm khuẩn nên lượng sữa bán ra mấy hôm nay cũng ảnh hưởng dù các cửa hàng có nhiều hãng sữa khác nhau để khách hàng lựa chọn.

Cửa hàng bán sản phẩm sữa và đồ dùng cho trẻ sơ sinh trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cũng cho biết, sữa Similac GainPlus Eye-Q mấy hôm trước đã có người tới thu hồi nên hiện cửa hàng không còn sữa này nữa. Còn những khách hàng nào đã mua sữa Similac GainPlus Eye-Q dù đã dùng rồi cũng có thể trả lại. Tuy nhiên, số lượng sữa này bán ra không nhiều nên cũng chưa thấy ai đến trả.

Ghé qua một đại lý sữa nổi tiếng trên đường Thái Hà (Hà Nội), chúng tôi cũng không thấy bán sữa Similac GainPlus Eye-Q. Người bán hàng cho biết, cách đây nửa năm đại lý có nhập sữa Similac GainPlus Eye-Q, tuy nhiên do sữa này thường xuyên tăng giá nên lâu nay không nhập về nữa.

Theo ông Trần Quang Trung, các sản phẩm dinh dưỡng công thức Karicare nhập vào Việt Nam không phải dòng sản phẩm New Zealand khuyến cáo thu hồi. “Trước đây  nguyên liệu whey protein concentrate (nguyên liệu chứa độc tố C.botulinum) được sử dụng làm sôcôla và sản phẩm sữa. Nhưng hiện trên thế giới và Việt Nam chỉ sử dụng nguyên liệu này vào sản xuất sản phẩm sữa. Các loại bánh kẹo không sử dụng nguyên liệu này”, ông Trung khẳng định.

Những hãng sữa khác không dính nguyên liệu nhiễm khuẩn

Theo kế hoạch, đến hết ngày 8/8, 95% sản phẩm Dumex Gold bước 2, 800gr (PRO/NSX: 30 05 2013) từ hệ thống các nhà phân phối được thu hồi. Trong đó, có một số lượng rất nhỏ đã đến tay người dùng cũng đang được Công ty Danone Việt Nam tích cực thu hồi theo hướng đổi sản phẩm mới. Ngoài số điện thoại hotline 1800599944 đã được cung cấp trước đây, người tiêu dùng có thể liên lạc với Công ty Danone Việt Nam qua số điện thoại 1900545495. Những trường hợp gọi đến nhưng bị nhỡ cũng sẽ được chủ động liên lạc lại để trả lời thắc mắc của người tiêu dùng. Cho đến nay, Công ty Danone Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào có liên quan đến sức khỏe khi sử dụng sản phẩm này.

Ngày 8/8, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục nhận được báo cáo của các doanh nghiệp về việc nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm có chứa nguyên liệu whey protein concentrate do Công ty Fonterra-New Zealand sản xuất.

Sữa nhiễm khuẩn: Sản phẩm bánh kẹo không liên quan - 1

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trực tiếp đi kiểm tra thu hồi sữa nhiễm khuẩn. Ảnh: TL.

Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam khẳng định không nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate từ Công ty Fonterra-New Zealand hay bất kỳ nhà cung cấp nào cho các sản phẩm của Công ty tại Việt Nam. Hiện, Công ty có sử dụng loại nguyên liệu sữa bột khác được nhập khẩu từ New Zealand cho sản phẩm Minute Maid Nutriboost. Phía công ty khẳng định, nguyên liệu này an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, cũng như của Tập đoàn Coca-Cola. Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam cũng cho biết không kinh doanh, sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate và sản phẩm có chứa nguyên liệu whey protein concentrate nào từ Công ty Fonterra-New Zealand.

Trước đó, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Văn phòng đại diện Meiji đều có báo cáo khẳng định không kinh doanh và sử dụng bất kỳ nguyên liệu whey protein concentrate và sản phẩm có chứa nguyên liệu whey protein concentrate nào từ Công ty Fonterra-New Zealand.

Theo TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), bệnh do vi khuẩn C.botulinum lưu hành trên toàn cầu. Có nhiều thể bệnh, nhưng thể ngộ độc thực phẩm do độc tố C.botulinum thường gặp nhất. Độc tố của C.botulinum cực độc (vài phần triệu gram – nano gram đủ để gây bệnh). Vi khuẩn này có khả năng sống sót cao (nha bào của chúng tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói... nhiều tuần). Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm thì vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố. Đáng nói là vi khuẩn C.botulinum sống rất dai. Với các hóa chất khử trùng thông dụng phải mất 30 phút trong nhiệt độ 60oC mới tiêu diệt được và để khử độc tố cần đun sôi 100oC ít nhất 15 phút…

TS Lâm Quốc Hùng cũng lưu ý, mọi người đều có thể bị bệnh do C.botulinum. Trẻ em dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn do sức đề kháng, miễn dịch thấp hơn và mẫn cảm hơn với độc tố của C.botulinum. Ngoài ra những người hay dùng đồ hộp, thực phẩm xông khói, thực phẩm lên men yếm khí, người làm nghề giết mổ, người lao động tiếp xúc với phân người và động vật cũng có khả năng mắc bệnh do C.botulinum. Bệnh do C.botulinum thường ở dạng tản phát hoặc có khi là vụ ngộ độc thực phẩm vừa và nhỏ.
“Thời gian ủ bệnh thường từ vài giờ tới 24 giờ (thức ăn có sẵn độc tố); 3 - 5 ngày (thức ăn có nha bào C.botulinum). Bệnh có thể khởi phát đột ngột với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Toàn phát có triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, giãn đồng tử, liệt mềm gây khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng; không sốt, không có hội chứng màng não; người bệnh tỉnh  táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp”, TS Hùng cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Khánh - Hoài Nam (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN