Rùng mình nghe bác sĩ kể chuyện gắp dao lam từ thực quản
Khi bác sĩ hỏi về việc vì sao nuốt dao lam, bệnh nhân chỉ nói muốn được ra ngoài gặp người yêu.
Thạc sĩ, bác sĩ Chu Nhật Minh - Phó trưởng khoa Nội soi - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, những ca cố tình nuốt dao lam chỉ xảy ra ở những người là phạm nhân hoặc bị tâm thần.
Khoa Nội soi của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hà Nội thường xuyên tiếp nhận các trường hợp dị vật đường tiêu hóa, trong đó kinh hoàng nhất là những trường hợp hóc dao lam (½ lưỡi dao cạo râu). Một vài trường hợp có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì không ai biết vì sao người bệnh lại nuốt được dao lam. Còn lại là các phạm nhân đang thụ án trong tù.
Lật lại từng tập hồ sơ bệnh án của bệnh nhân lưu lại tại khoa Nội soi, bác sĩ Minh lần lượt tìm đến những bệnh án của bệnh nhân đã từng nuốt dao lam. Trong đó có bệnh nhân Phạm Văn H. 34 tuổi ở Thanh Hóa đang là phạm nhân cải tạo trong tù.
Bác sĩ Minh kể, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, khó thở, thở khò khè, đau cổ, cổ sưng nề tấy đỏ, bệnh nhân không thể nuốt. Khi bác sĩ hỏi về việc nuốt dao lam bệnh nhân chỉ nói muốn được ra ngoài gặp người yêu. Các bác sĩ cho biết Phạm Văn H. nhập viện chiếc dao lam đã chui vào thực quản của bệnh nhân, cứa vào thành thực quản gây rách và hoại tử lan rộng, nhiễm trùng nhiễm độc nặng khiến bệnh nhân đau đớn.
Bác sĩ Minh và các bác sĩ trong khoa tiến hành hội chẩn, chụp X- quang phát hiện vị trí của chiếc dao lam khá “hiểm”. Bệnh nhân được chuyển đi phẫu thuật sau đó.
Bác sĩ Minh cho biết nếu mình tiến hành gắp chiếc dao lam bằng phương pháp nội soi như khoa vẫn làm thì khi đưa được chiếc dao lam ra ngoài toàn bộ thực quản của bệnh nhân bị xé toạc, chưa kể lưỡi lam rất sắc có thể cắt vào các cơ quan nằm cạnh thực quản, ví dụ như động mạch chủ, khí quản, các cơ ở nền cổ...
Hình ảnh dao lam người bệnh nuốt phải Phạm nhân nuốt dao lam mong được ra ngoài.
Vì thành thực quản không thẳng như nhiều người nghĩ mà nó có các chỗ uốn lượn, có chỗ hẹp. Ngoài ra, chỗ thực quản thủng bị viêm nhiễm, hoại tử lan rộng, lưỡi dao đã di chuyển, đã xoay ngang so với vị trí ban đầu ( khi nuốt) nên phẫu thuật sẽ là biện pháp tốt hơn. Ngoài việc lấy bỏ lưỡi dao, các bác sĩ sẽ còn phải đánh giá các thương tổn của các bộ phận lân cận.
Bác sĩ Minh cho biết ông cũng không thể tưởng tượng được anh ta lại dám nuốt cả dao lam sắc lẹm vào bụng, cũng chẳng thể hiểu anh ta nuốt như thế nào nữa. Chỉ cần nghĩ đến cả con dao sắc vào cuống họng đã thấy ghê người. Phạm nhân khi nuốt dao lam được hỏi cũng không biết vì sao mình nuốt được vào bụng.
Nuốt đinh, thép
Hơn hai mươi năm bác sĩ Minh và các đồng nghiệp làm việc tại bệnh viện Việt Đức đã gặp hàng trăm ca hóc dị vật khác nhau, trong đó hóc đinh cũng rất nhiều.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Th. 45 tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội là một ví dụ. Ông Th. làm thợ mộc với thói quen tay cầm búa, miệng ngậm đinh. Trong lúc đang làm việc, bị ho, hắt hơi thế là chiếc đinh chui rơi vào khí quản.
Hình ảnh chiếc đinh nạn nhân nuốt phải
Bệnh nhân đau ngực, ho ra máu. Sau khi chụp X-Quang xác định được vị trí dị vật. Các bác sĩ khoa nội soi đã quyết định gắp dị vật bằng phương pháp nội soi để đưa chiếc đinh ra ngoài.
Bác sĩ Minh đưa ra tập bệnh án của bệnh nhân Bùi Công T. 25 tuổi, trú tại Hà Nam. Bệnh nhân T. đã nuốt rất nhiều đoạn thép vào bụng mình. Khi có biểu hiện đau bụng, người nhà cho bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh. Tại đây, bác sĩ của tuyến dưới thấy không thể can thiệp nên đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Việt Đức. Khi đến viện, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái thủng thực quản và dạ dày. Nhiều mẩu thép đã được các bác sĩ khéo lép gắp ra.
Với bác sĩ Minh việc lựa chọn phương pháp nào phù hợp để đưa dị vật ra rất quan trọng. Tùy vào từng dị vật bị hóc và từng vị trí của dị vật các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp đưa dị vật ra cho phù hợp tránh nguy hiểm cho bệnh nhân.