Rối loạn tâm thần do mãn kinh

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Gần đây, Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận không ít bệnh nhân ở độ tuổi mãn kinh nhập viện trong tình trạng trầm cảm nặng, có biểu hiện lạ về tâm sinh lý.

Bệnh nhân N.T.K 51 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm xúc rất nặng. Gia đình chị H cho biết, trước khi nhập viện khoảng 1 năm, chị K. sống khép mình, không trò chuyện, cười đùa với bất cứ ai. Lúc thì chị lầm lì, buồn rầu, ức chế, cáu gắt, lúc thì khóc lóc, rên rỉ. Hơn nữa, trước đây chị K không bao giờ ghen tuông nhưng từ khi có biểu hiện lạ về cảm xúc, chị K  lại sinh ra thói “ghen bóng ghen gió”, luôn nghi ngờ chồng có bồ. Thấy vợ có biểu hiện lạ, anh M đưa vợ đến khám thì té ngửa khi biết vợ mình mắc bệnh rối loạn trầm cảm nặng.

Cũng bị trầm cảm từ rất lâu nhưng không phát hiện sớm đó là trường hợp bệnh nhân L.T.H. 55 tuổi quê ở Thái Nguyên. Trước khi vào nhập viện chị H có biểu hiện rối loạn trầm cảm, thay đổi tâm sinh lý. Trước đó, chị H vốn là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Dáng chị cân đối, tay chân tháo vát, miệng nói vui vẻ. Nhưng hơn nửa năm trở lại đây, chị H xuất hiện những cơn đau bụng, kinh nguyệt không đều, sút cân, gầy rộc và thường xuyên cáu gắt. Chị đi khám sản phụ khoa thì các bác sỹ cho biết đó là biểu hiện của tiền mãn kinh. Chị H tiếp tục điều trị theo hướng sản phụ khoa nhưng không thấy tiến triển. Gia đình thuyết phục chị đi khám về tâm thần kinh thì được biết chị đã có dấu hiệu của rối loạn thần kinh.

Rối loạn tâm thần do mãn kinh - 1

Bệnh nhân nhập viện tâm thần do thời kỳ mãn kinh. (Ảnh minh họa)

BS CKII. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định ông đã điều trị cho rất nhiều chị em mắc bệnh thần kinh. Đa số chị em không biết mình đang mắc bệnh về tâm sinh lý mà lại đi chạy chữa ở các chuyên khoa khác như sản phụ khoa, khớp, tiêu hóa, tim mạch nhưng không khỏi, chỉ đến khi những ảnh hưởng về tâm sinh lý đó gây xáo trộn cuộc sống thì họ mới “cầu cứu” bác sĩ tâm thần.

Trao đổi với chúng tôi, BS. Dương Đình Phúc, Trưởng Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 354 cho biết: “Trước đây nhiều người thường nghĩ chỉ những phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh mới mắc rối loạn cảm xúc, đặc biệt là trầm cảm. Nhưng hiện có nhiều phụ nữ quanh tuổi mãn kinh từ 45 – 50 tuổi cũng mắc bệnh này. Thậm chí, mãn kinh 1 – 2 năm vẫn có thể gặp. Họ thường có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, suy giảm khả năng tiếp thu thông tin mới, chán những sở thích trước đây đã có”.

Cũng theo BS Phúc, có rất nhiều trường hợp không thừa nhận mình bị tâm thần hay trầm cảm. Họ thường nghĩ mình bị bệnh dạ dày, đại tràng… do ăn không được, buồn nôn, thậm chí nôn. Nhưng khi soi thì không phải dạ dày mà chỉ bị trào ngược. Họ điều trị theo hướng dạ dày thời gian rất lâu nhưng không khỏi, bởi nguồn gốc bệnh là thần kinh thì lại không được điều trị.

Rối loạn tâm thần do mãn kinh - 2

Theo BS Phúc, khi thấy bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm sinh lý cần đưa ngay đến chuyên khoa tâm thần khám và điều trị

BS Phúc khuyến cáo, trong gia đình có phụ nữ ở quanh tuổi mãn kinh cần phải biết và tìm hiểu những biểu hiện bệnh của họ để tránh tác động làm cho họ căng thẳng. Họ sẽ dễ cáu gắt, nổi khùng… Khi thấy các biểu hiện của rối loạn tâm thần hay bị trầm cảm cần đưa họ đến với chuyên khoa tâm thần điều trị, bởi có nhiều bệnh nhân đi điều trị lòng vòng mà không hiệu quả.

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần thứ nhất xảy ra ở tuổi dậy thì) xảy ra do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động và ngưng tiết các nội tiết tố nữ, dẫn đến việc ngưng hành kinh mỗi tháng, và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, thường xảy ra ở phụ nữ lứa tuổi từ 45-50. Trong quá trình mãn kinh, người phụ nữ thường có những thay đổi về Tâm - Sinh lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc, cũng như có những nguy cơ mới về sức khỏe có thể xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN