Những bệnh nhi buồn hơn tiếng khóc

Đói ăn, đói mặc đã là nỗi ám ảnh bao người, nhưng đói máu mang một nỗi niềm thống thiết, giằng xé hơn, bởi chỉ cần buông xuôi phó mặc là gặp ngay thần chết giang tay.

Tôi nhìn những cô, cậu bé mới khoảng 10 tuổi rụng hết tóc vì điều trị hóa chất, đi đâu cũng kè kè túi máu bên cạnh, nghĩ đến sự sống đang bị chà xát, cắt bớt, đứt quãng, co dần lại trong chính các em và gieo vào người thân nỗi u hoài bế tắc...

Mặn hơn nước mắt

Nằm im lìm trên chiếc giường kê góc phòng bệnh, gương mặt buồn rượi, Nguyễn Mai Hằng (Hạ Long, Quảng Ninh) nhỏ thó với chỉ 23kg dù đã bước sang tuổi 16.

Bụng Hằng trướng to như cái trống bởi sắt dồn ứ trong cơ thể khiến lách ngày càng phát triển. Hồi 3 tháng tuổi, bé Hằng ốm yếu, da xanh nhợt, hay quấy và không chịu ăn uống.

Ở Bệnh viện Đa khoa Uông Bí (Quảng Ninh), các bác sĩ chẩn đoán con gái mắc bệnh thiếu máu huyết tán, vợ chồng anh Nguyễn Văn Huệ cứ ngỡ chỉ cần truyền máu thì con sẽ khỏe lại. Ai ngờ đây lại là căn bệnh quái ác, Hằng sẽ phải truyền máu suốt đời.

Những bệnh nhi buồn hơn tiếng khóc - 1

Bệnh nhân vài tháng tuổi cũng chỉ được truyền máu cầm chừng. Ảnh: T.Hà.

Đã hơn 15 năm, người cha gầy gò với ánh mắt buồn vợi cần mẫn đưa con đi tiếp máu hết bệnh viện tỉnh lại lên Hà Nội. Mỗi năm hàng chục lần đi truyền máu, các bác tài xe khách đã nhẵn mặt bố mẹ và Hằng nên nhiều khi họ chẳng lấy tiền xe.

Cố gắng ngồi dậy cho đỡ mỏi do nằm bẹp suốt sáng đến trưa, Hằng ngước đôi mắt to tròn nhưng ăm ắp nỗi buồn nhìn người đối diện: “Ước mơ của con là được đến lớp cùng các bạn đã không còn thực hiện được nữa rồi cô ạ, con biết cuộc đời con giờ chỉ gắn với những ống truyền máu. Con xem trên mạng biết bệnh của mình không chữa được, chỉ thương bố mẹ cứ bán hết mọi thứ để lo cho con, mai này lấy gì lo cho em trai con nữa đây cô?”.

Thoáng thấy trong mắt anh Huệ như có mây đen bao phủ. Vài giây để trấn tĩnh, người cha ôm lấy con gái nói lời động viên nhưng như thể để trấn an chính mình trước bao sóng gió đang đợi phía trước. Đứa con gái đầu lòng của anh đang mỗi ngày một yếu đi.

Những bệnh nhi buồn hơn tiếng khóc - 2

Anh Huệ bên cô con gái đầu lòng mắc bệnh nặng.

Bác sĩ Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học và Truyền máu, người thường khám cho Hằng, khẽ nói riêng với anh Huệ: “Con bé suy tim, suy thận hết rồi, lách to quá, máu thì thiếu, cố cầm cự thì gia đình nên tìm người cho máu cho con nhé”. Một tiếng “Vâng” khẽ vang lên từ phía người cha bất hạnh.

Vài giây để trấn tĩnh, người cha ôm lấy con gái nói lời động viên nhưng như thể để trấn an chính mình trước bao sóng gió đang đợi phía trước. Đứa con gái đầu lòng của anh đang mỗi ngày một yếu đi.

Lén quay đi lau nước mắt lăn tràn trên những nếp nhăn, anh Huệ tâm sự: “Bao năm đưa con đi truyền máu, hơn ai hết tôi thấm thía nỗi đau của con khi không có máu truyền kịp thời.

Tôi chưa từng một lần được cho con máu vì cơ thể không đủ sức khoẻ. Bây giờ bác sĩ yêu cầu luôn phải có 2 người túc trực bên cháu để đề phòng bệnh trở nặng con bé có thể ra đi bất cứ lúc nao”.

Anh Huệ đã nhiều lần đến ngân hàng vay nợ. Mỗi lần mua máu của những người bán máu chuyên nghiệp hết 1,5 triệu đồng, nhưng cũng chỉ dám mua cầm chừng vì không có tiền.

Đã 4 cái Tết rồi gia đình anh ở bệnh viện chờ máu. “Đói” máu cho con, ngổn ngang nỗi niềm ngày Tết, anh Huệ như già thêm chục tuổi. Gần tháng nay Hằng không đi lại được vì không đủ máu truyền. Và bây giờ thêm một cái Tết nữa lại đến…

Và còn đó bao day dứt

Hầu hết bệnh nhi cần truyền máu đều mắc các bệnh mãn tính về máu nên tháng nào, thậm chí tuần nào cũng phải truyền máu.

Đã bao năm rồi, cảnh bệnh nhân đến để truyền máu rồi lại ra về vì không có máu đã trở nên quá quen thuộc ở nơi này.

Những bệnh nhi buồn hơn tiếng khóc - 3

Chăm sóc bệnh nhân chờ truyền máu.

Bác sĩ Trực chỉ cho tôi thấy căn phòng bệnh nhân đợi truyền máu: “Nếu ngày nào cô cũng đến đây thì vẫn sẽ thấy cảnh bọn trẻ chờ máu đến mệt lả như vậy”.

Đã 2 tuần nay, không biết bao lần bác sĩ Trực gọi điện cho Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để xin máu nhưng đều nhận được câu trả lời không có máu, và các bác sĩ đành hướng dẫn người nhà bệnh nhân đi mua máu về để truyền.

Nhu cầu tại Khoa Huyết học và Truyền máu cần khoảng 500 đơn vị máu cho những ngày cận Tết Nguyên đán, nhưng số lượng đáp ứng chưa bao giờ vượt quá được 50% nhu cầu và chưa bao giờ có máu để dự trữ.

Lò Thị Quyên, 8 tuổi (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nhập viện vì suy tủy đã một tháng. Những tuần đầu đủ máu truyền nên Quyên khỏe ra nhiều. Nhưng hơn chục ngày nay, máu dự trữ của bệnh viện đã cạn nên bố mẹ bỏ tiền mua máu, truyền cho Quyên.

Mỗi túi máu có giá 3 triệu đồng là số tiền quá lớn với gia đình cô bé người Thái chỉ biết làm nông. Vì thế Quyên chỉ được truyền máu bằng một nửa so với nhu cầu điều trị.

Bác sĩ Mạnh, người trực tiếp điều trị cho Quyên thông báo với anh Lò Văn Inh (bố Quyên): “Gia đình chuẩn bị tinh thần ăn Tết trong bệnh viện nhé vì bệnh nhân sẽ phải truyền máu vài ba tháng đấy. Nếu có máu để truyền thì mới sớm được về nhà, nhưng khó lắm vì máu đang rất thiếu”.

Anh Inh gọi về quê nhờ cha mẹ già đi vay nóng để có tiền mua máu cho con. Vợ anh, vẫn mặc nguyên bộ quần áo dân tộc Thái, nói tiếng Kinh không sõi, đầm đìa nước mắt khi thấy bé Quyên vật vã trong những cơn đau.

Tôi gặp lại cậu bé Trần Văn Đạt (11 tuổi, ở Hà Giang). So với gần một năm trước, Đạt có vẻ yếu đi nhiều. Cậu bé không thể tự bước đi do căn bệnh máu không đông. Máu liên tục chảy trong các khớp khiến khớp dần cứng lại và đau đớn. Mỗi năm gần chục lần Đạt vào Bệnh viện Nhi để được tiếp máu.

Ông Trần Văn Mạnh, cha của Đạt, dáng khắc khổ, khuôn mặt thất thần cố gắng xốc đứa con trai lên lưng để đưa cậu ra khỏi phòng bệnh cho đỡ buồn.

Mặt Đạt giờ đây sạm lại, hai hốc mắt thâm quầng, đôi mắt lờ đờ, hai ống chân teo tóp và đầu gối sưng to… Căn bệnh quái ác khiến chỉ một va chạm nhỏ mà bị chảy máu thì máu sẽ không cầm lại được.

Gần đây nhất Đạt bị chảy máu chân răng và phải nhập viện truyền huyết tương cầm máu. Vậy nhưng hơn chục ngày trôi qua bệnh viện chưa có huyết tương để truyền. Thiếu máu, Đạt nằm thoi thóp, không đủ sức để rên vì đau.

Điệp khúc thiếu máu đã vang lên rất lâu rồi ở chốn này và nhiều nơi khác. Đói ăn, đói mặc đã là nỗi ám ảnh bao người, nhưng đói máu hình như lại mang một nỗi niềm thống thiết hơn. Chỉ cần buông xuôi phó mặc là thần chết giang tay.

Tôi nhìn những cô, cậu bé mới khoảng 10 tuổi rụng hết tóc vì điều trị hóa chất đi đâu cũng kè kè túi máu bên cạnh, nghĩ đến sự sống như đang bị chà xát, cắt bớt, đứt quãng, co dần lại trong chính các em và gieo vào người thân nỗi u hoài bế tắc.

Ở đây mới nghiệm đúng hơn, ngậm ngùi hơn và trân quý hơn câu “máu là sự sống”. Giành giật sự sống từ tay thần chết quả là cuộc chiến cam go, dai dẳng và khốc liệt. Cuộc chiến ấy luôn được tiếp sức bởi những vòng tay cộng đồng ấm tình chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Hà (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN