Bệnh ung thư vào từ... mồm

Sự kiện: Ung thư

“Bên cạnh yếu tố cơ địa đột biến gen, tập quán ăn uống đóng vai trò quan trọng, có thể dẫn đến ung thư” - BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nói.

Mầm bệnh từ chế độ ăn uống, ngủ nghỉ

Theo BS Thịnh, trước đây khi người dân còn nghèo, thường ăn nhiều loại rau xanh nên ít có nguy cơ ung thư. Hiện cuộc sống công nghiệp phát triển, mức độ tiêu thụ rau xanh giảm, người dân ăn nhiều chất béo, ít ăn rau, trái cây và ít vận động. Lối sống này rất dễ dẫn đến mắc bệnh ung thư.

Nguyên nhân khiến những bệnh nhân mắc các loại bệnh như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại trực tràng gia tăng thời gian gần đây là do người dân hút thuốc lá, uống bia, rượu nhiều, ăn ít rau xanh, ăn nhiều chất béo, ít vận động...

Bệnh ung thư vào từ... mồm - 1

Nguyên nhân một số bệnh ung thư do chính chế độ ăn uống, sinh hoạt. (Ảnh minh họa).

Với ung thư gan thì viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh này. Nếu người dân được chích ngừa thì có thể hạn chế mắc bệnh ung thư gan. Ngoài ra, việc uống nhiều rượu, bia rất dễ bị xơ gan và ung thư gan.

Cách bảo quản thực phẩm không tốt, bị ẩm, mốc nhưng vẫn chế biến để ăn cũng dễ dẫn đến ung thư gan. Nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày là do vi khuẩn HP; một nguyên nhân khác khiến bệnh ung thư dạ dày gia tăng còn do thói quen ăn những thực phẩm được bảo quản lâu ngày như dưa cải muối, mắm...
 
Để phòng tránh ung thư, theo BS Thịnh, trước tiên người dân cần ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, thường xuyên tập thể dục, hạn chế ăn chất béo, ăn nhiều trái cây, rau xanh, không hút thuốc lá, chích ngừa gan siêu vi B, chích ngừa ung thư cổ tử cung...

Ung thư vú chiếm vị trí đầu bảng

Bệnh ung thư vào từ... mồm - 2

Ý thức vệ sinh kém và việc sinh đẻ chưa được kiểm soát tốt là nguyên nhân góp phần gây ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ…

Đây là hai bệnh ít gặp ở người dân thành phố mà gặp nhiều ở người dân các tỉnh. Virus HPV là tác nhân gây ra bệnh này. Hiện đã có vaccine chủng ngừa nhưng do giá thành cao nên nhiều người dân chưa tiếp cận được.

Theo thống kê của BV Ung bướu Tp HCM, từ năm 2003 đến nay, ung thư vú ở phụ nữ đã vượt qua ung thư cổ tử cung để chiếm vị trí hàng đầu.

Ung thư cổ tử cung, phổi, đại trực tràng, dạ dày, tuyến giáp và buồng trứng là những loại kế tiếp thường gặp (chiếm 63%). Trong đó ung thư tuyến giáp đã vượt lên xếp thứ năm trong thống kê của hai năm 2009-2010.
 
Đối với nam giới, năm loại ung thư hàng đầu ở nam giới là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu (chiếm 58%).

Tại Việt Nam mỗi năm có thêm khoảng 150.000 ca mắc bệnh và 75.000 ca tử vong do ung thư. Thống kê của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy: tỉ lệ mắc các loại ung thư nói chung tại thành phố đông dân nhất nước này tăng trung bình 5,4% mỗi năm (giai đoạn 2006 - 2010). Bệnh ung thư xuất hiện nhiều từ sau 40 tuổi và tăng dần theo tuổi tác, cho đến sau 80 tuổi thì giảm.

Ung thư dễ mắc ở các lứa tuổi

Về tuổi mắc ung thư, ở nhóm tuổi 0-14 tuổi, ung thư máu chiếm vị trí cao nhất; còn ung thư mắt, thận, xương, mô mềm là các loại thường gặp tiếp theo.
 
Ở nhóm tuổi 15 - 24, ung thư buồng trứng (ở phụ nữ) và ung thư tuyến giáp là những ung thư hàng đầu ở cả hai giới.

Ở nhóm tuổi 25 - 34, ung thư tuyến giáp vẫn đứng đầu bảng thống kê; ở nam giới ung thư đại tràng, ung thư gan xuất hiện nhiều; ở nữ giới là ung thư vú.
 
Từ nhóm tuổi 35 trở lên bắt đầu định hình rõ những ung thư thường gặp ở cả hai giới với thứ tự ít thay đổi hơn so với những nhóm tuổi trước đó. Đó là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu ở nam giới; ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp ở nữ giới.

Sau 65 tuổi, ung thư da là một trong những ung thư thường gặp ở cả hai giới, nhưng ung thư vú giảm ở nữ giới.

Nên áp dụng tầm soát ung thư tuyến giáp cho người từ 15 tuổi trở lên

TS. BS Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cho biết: Nguy cơ tích lũy mắc ung thư trong cuộc đời của nam giới là 15,8%. Đối với nữ, tỷ lệ này là 12,7%.

Khi tuổi thọ trung bình được cải thiện thì ung thư đại trực tràng sẽ gia tăng ở cả hai giới, ung thư tuyến giáp cũng sẽ gia tăng khi phương tiện chẩn đoán phát triển.

BS Xuân Dũng đề nghị ngành Y tế nên áp dụng chương trình tầm soát các ung thư hàng đầu của hai giới với đối tượng từ 40 tuổi đến trước 80 tuổi. Riêng ung thư tuyến giáp có thể áp dụng với đối tượng từ 15 tuổi trở lên.

Báo cáo của TS.BS Bùi Diệu - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - cho thấy phần lớn người bệnh ung thư được chẩn đoán trễ, ít có cơ may chữa khỏi. Trong đó ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ cao nhất, gần 88%, kế đến là dạ dày gần 87%, phổi hơn 84%, ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ thấp hơn, gần 50% và gần 54%.

Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là yếu tố cốt lõi để cải thiện tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh An (Giadinh.net)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN